Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC rạng sáng 10-1 niêm yết tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giữ nguyên trong khi vàng DOJI có biến động nhẹ.

Cụ thể, tại chi nhánh Hà Nội, vàng DOJI giảm đều 50.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh lại tăng 100.000 đồng/ lượng bán ra và giữ nguyên mức giá mua vào.

Vàng Phú Quý SJC tăng 150.000 đồng/ lượng mua vào và 130.000 đồng/ lượng bán ra trong khi vàng PNJ và Maritime Bank đều giữ nguyên mức giá niêm yết của ngày hôm trước. Mức chênh lệch mua vào-bán ra cao nhất vẫn là 1.340.000 đồng/ lượng tại ngân hàng Maritime Bank. Mức chênh lệch ở các đơn vị vàng bạc đá quý còn lại dao động quanh ngưỡng 600.000 đến 800.000 đồng/ lượng.

Trên thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.797 USD/ounce, không đổi so với đầu giờ sáng qua.

Hiện tỷ giá USD/VND tại Vietcombank là 22.850 đồng, vàng thế giới tương đương 49,5 triệu đồng/ lượng, vẫn thấp hơn giá vàng trong nước hơn 12 triệu đồng/ lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, USD cũng tiếp tục suy giảm. Đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,58% về mức 95,74 điểm.

Giá vàng thế giới chững lại do chịu nhiều áp lực khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng liên tục trong gần 1 tháng và tăng mạnh hơn trong tuần vừa qua.

Với những diễn biến trong năm 2021, các nhà đầu tư bán lẻ cho rằng xu hướng giảm giá đã đạt đỉnh và giá vàng sẽ phục hồi tốt trong năm 2022.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là báo hiệu trước của nguy cơ lạm phát. Điều này sẽ tạo áp lực khiến Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra lộ trình tăng lãi suất ba lần trong năm 2022.

 Thành Nam