Thực tế những ngày qua, giá vàng thế giới giảm, vàng trong nước tăng như hiện nay thì chênh lệch lên đến hơn 17 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia nói gì?
Giá vàng
Giá vàng thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 2/5, khi thị trường và giới đầu tư hướng sự chú ý tới khả năng lãi suất Mỹ có thể sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Báo cáo thị trường việc làm yếu hơn dự kiến đã không cung cấp lực đẩy cho kim loại quý này vào ngày 3/5 (giờ Mỹ). Sau báo cáo, giá vàng đã giảm từ mức cao nhất trong ngày và ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Kể từ đầu tuần, vàng giao ngay đã giảm tới 1,8%.
Giá vàng đã giảm 5,7% (khoảng 140 USD) kể từ khi đạt mức cao kỷ 2.431,29 USD/ounce vào tháng Tư, do các cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông và hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng Trung ương.
Cụ thể, kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,05% xuống 2.302,09 USD/ounce, hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm 1,8%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ lên 2.311,10 USD/ounce.
Với giá vàng trong nước tăng mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.301,2 USD/ounce (tương đương gần 70,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia nói gì?
Theo đánh giá của nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong tại New York, diễn biến gần đây của vàng cho thấy, các nhà đầu tư thấy giá vàng trụt sồi nên ngày càng thận trọng hơn sau đợt phục hồi mạnh mẽ của kim loại quý này trong tháng Tư.
Mặc dù dữ liệu việc làm củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay giúp hỗ trợ cho vàng thỏi có lãi suất bằng 0, nhưng nó cũng làm tăng khẩu vị rủi ro của giới đầu tư và khiến họ chuyển sang các tài sản khác. Chủ tịch thị trường thế giới Chris Gaffney của EverBank nói rằng, khi các nhà đầu tư cảm nhận rủi ro ít đi đồng nghĩa với việc nhu cầu vào vàng ít hơn.
Wong nói thêm rằng, hiện có những lo ngại rằng vàng có thể giảm sâu hơn nếu lực mua tại Châu Á giảm. Ông dự báo, kim loại quý này có thể giảm xuống mức 2.150 USD/ounce.
Ông Chris Gaffney, Chủ tịch Thị trường thế giới tại EverBank cho biết, tâm lý hiện tại của các nhà đầu tư đang ưa chuộng rủi ro, dẫn đến nhu cầu vàng giảm. Thị trường kim loại quý này dường như cũng “phớt lờ” sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ.
Chuyên gia của hãng tin Anh Reuters tiết lộ, các nhà phân tích đã nâng dự báo giá vàng năm 2024. Họ nhận định, căng thẳng địa chính trị âm ỉ sẽ khiến các nhà đầu tư tìm "nơi ẩn náu" và tiếp tục đẩy giá vàng phá các mức cao kỷ lục.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, giá vàng thế giới sẽ có xu hướng suy giảm bởi Fed khẳng định, hiện lạm phát mong muốn chưa đạt được kỳ vọng, dữ liệu kinh tế Mỹ đang rất tốt… nên Fed chưa nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. Điều này khiến giá vàng khó tăng, khả năng suy giảm về mốc 2.200 USD/ounce.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá vàng thế giới thường được tính bằng USD; vì thế khi giá USD lên, giá vàng thường xuống. Thế nhưng, thời gian gần đây, điều này không còn tồn tại như một quy luật nữa. Nhiều khi giá USD lên, chỉ số DXY tăng nhưng giá vàng vẫn lên.
Theo Tiến sỹ Thịnh, điều này có nghĩa, ngoài tác động giữa đồng USD với lãi suất vào giá vàng, vẫn còn những yếu tố khác, trong đó đặc biệt là kỳ vọng của các nhà đầu tư.
“Trong một số lần hạ lãi suất điều hành, thường thường các nhà đầu tư đều kỳ vọng vàng tăng giá. Mức kỳ vọng của các nhà đầu tư làm tăng giá vàng ít nhất là 15%, mức cao khoảng 33%”, Tiến sỹ Thịnh nhấn mạnh.
H.Dương (t/h)