Sáng 11/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức họp báo về triển vọng kinh tế cho Việt Nam, trong đó giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài.
Trong buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để điều hành thị trường vàng hiệu quả hơn? Rằng, điều hành thị trường vàng hiệu quả thì cần phải có cách tiếp cận kết hợp giữa quản lý Nhà nước như công cụ tiền tệ và là sản phẩm tài chính đầu tư, đồng thời là hàng hoá cơ bản.
Lý giải về những biến động trên thị trường vàng, ông Nguyễn Bá Hùng phân tích: Vàng là công cụ quản lý rủi ro và động thái sử dụng vàng vừa qua của các ngân hàng trung ương trên thế giới phản ánh ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị. Còn thị trường vàng trong nước biến động chủ yếu do cung cầu, nhưng yếu tố tâm lý của thị trường cũng khá đặc thù.
Ở góc độ quản lý cung cầu, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng phân tích: Cung trong nước có những hạn chế nhất định, do đó, khi có những biến động về tâm lý hay các công cụ đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng trở thành công cụ đầu tư, nên giá vàng tăng.
Còn ở góc độ quản lý Nhà nước đối với vàng, ông Nguyễn Bá Hùng nêu nhận định, vàng cũng tương tự như ngoại tệ, đồng thời cũng là hàng hoá cơ bản, nhưng cách tiếp cận thị trường vàng vẫn mang tính hành chính, nên khi có biến động cung cầu thì cách kiểm soát vẫn mang tính hành chính.
"Cần cách tiếp cận kết hợp giữa quản lý Nhà nước như công cụ tiền tệ và là sản phẩm tài chính đầu tư, đồng thời là hàng hoá cơ bản, thì việc điều hành thị trường vàng sẽ hiệu quả hơn", chuyên gia kinh tế trưởng ADB nêu ý kiến.
Những năm gần đây, vàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, giữ vai trò là hàng rào chống lạm phát và biến động thị trường, là tài sản dự trữ an toàn cho các ngân hàng Trung ương.
Trong một ấn phẩm vừa công bố mang tên "Gold Investing Handbook", tạm dịch là: Sổ tay Đầu tư vàng, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã giải thích việc các ngân hàng Trung ương đang tăng cường dự trữ vàng. Các ngân hàng trung ương giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc song song với tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối.
Hiện nay, vàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, giữ vai trò như hàng rào chống lạm phát, là tài sản dự trữ an toàn đối với các ngân hàng trung ương. Do đó, các ngân hàng Trung ương ồ ạt mua vàng.
Vàng cũng được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Sự không chắc chắn và bất ổn địa chính trị, khiến kim loại quý này trở nên phổ biến đối với các nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro, chống lại sự biến động của thị trường.
Ngoài vai trò là tài sản dự trữ, vàng còn là mặt hàng được giao dịch rộng rãi trong thị trường tài chính. Hợp đồng tương lai và quyền chọn vàng được giao dịch tích cực trên các sàn giao dịch hàng hóa, cung cấp cho nhà đầu tư nhiều cơ hội.
Cùng với đó, vàng cũng được dùng để sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng khác nhau, bao gồm điện tử, đồ trang sức và thiết bị y tế...
H.Dương (t/h)