Nguyên nhân được chỉ ra gồm bốn nguyên nhân: Thiếu hụt tàu bay, phí nhiên liệu tăng, thiếu nguồn nhân lực và áp lực tỷ giá. Đây là hàng loạt lý do đang làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị của ngành hàng không.
Đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay. Đây là nhận định trong cuộc họp của ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì. Hàng không và du lịch đang phải nỗ lực để duy trì và đưa ra các giải pháp nhằm "hạ nhiệt" giá vé.
Để giảm nhiệt giá vé, Vietnam Airlines tăng thêm 1 triệu ghế trên các đường bay, hợp tác với các địa phương để triển khai thêm các chuyến bay khởi hành sau 21h và trước 6h hàng ngày trên nhiều đường bay nội địa. Với mức giảm cao nhất là 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/15/may-bay3-1718422646.jpg)
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines cho biết: "Tăng thêm các chuyến bay với số lượng ghế mở bán tăng thêm trong giai đoạn tới đây là 1 triệu ghế. Tổ chức lại kế hoạch khai thác để mỗi tàu bay có thể khai thác được tối đa giờ bay của mình".
Vietjet Air cũng đã có kế hoạch tăng 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương với 3.100 chuyến bay trên toàn mạng bay của hãng này. Bamboo Airways áp dụng chính sách giảm 8% vào khung giờ bay từ 22h hôm trước đến 2h ngày hôm sau trong ba ngày cuối tuần.
Dù các hãng hàng không áp dụng hàng loạt các phương án để hạ nhiệt giá vé, thế nhưng các doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, nếu như trước đây giá vé máy bay chiếm khoảng 50% tổng chi phí tour nội địa thì giờ đây con số này đã lên tới 60%.
Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ: "Chúng tôi vừa cập nhật giá và điều chỉnh lại để tiệm cận với nhu cầu của khách hàng hơn trong thời gian này".
Hiện, Việt Nam đang khai thác 160 máy bay, sụt giảm hơn 30% so với trước đây khi có thể khai thác lên tới 230 chiếc. Máy bay có thể thuê được, nhưng chi phí để thuê máy bay lại là thách thức lớn với các hãng hàng không.
Không chỉ bị thiếu hụt về máy bay hay ảnh hưởng từ giá trần, khi một số doanh nghiệp tái cấu trúc đã khiến một số đường bay trong nước bị cắt giảm tần suất. Đồng thời giá nhiên liệu, chi phí đầu vào cũng là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước cuối tháng Năm vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất các giải pháp như xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng hàng không, miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không.
Đặc biệt là cần tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay trước khi có một chính sách tổng thể để có thể bao quát mọi mặt về chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Thu Trang (t/h)