Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn. Việc giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã gây những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, việc giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao, các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng giá khiến doanh nghiệp phải tính toán, cân đối để cầm cự.
Theo nhiều người dân, việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hoá được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.
“Xăng dầu tăng giá khiến cái gì cũng tăng giá. Tôi đi mua rau bây giờ tăng gấp đôi, bình thường rau chỉ có 3.000 bây giờ lên 5.000- 8.000. Bình thường tôi đổ 100.000 là đầy bình xăng xe, nhưng bây giờ đầy bình phải thêm 30.000-50.000 mới đầy được bình”, một người dân nói.
Từ đầu năm đến nay, đã có 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Đợt điều chỉnh vào ngày 11/2 vừa qua đã đưa giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm từ 660 – 980 đồng/lít cao nhất trong mấy năm qua. Việc giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng rất lớn với doanh nghiệp vận tải.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị lâu năm về logistics cho biết, trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5%.
“Trước mắt, doanh nghiệp không có biện pháp nào để có thể đối phó với chi phí xăng dầu tăng một cách bất ngờ như hiện nay. Doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng cắt giảm chi phí nhưng vẫn xác định ra rất khó khăn. Doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi cách để thương lượng với khách hàng để điều chỉnh phí, giá vận tải cho phù hợp với giá xăng dầu. Muốn điều chỉnh giá cước vận tải cũng không phải là dễ dàng và cũng không thể nhanh được, bởi vì giá đã được quy định trong hợp đồng”, ông Nghĩa phân trần.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đứng ngồi không yên, bởi bị ảnh hưởng giảm đơn hàng do giá cước tăng cao so với bình thường. Theo bà Đinh Tuyết Nhung, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã nông dược tỉnh Bắc Kạn, xăng tăng giá đã làm cho chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Tuy nhiên, để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, Hợp tác xã cũng tung ra các chương trình khuyến mại đối với khách hàng đặt nhiều hàng hoá trong một đơn hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển.
“Khi xăng dầu tăng giá, tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu chung. Hiện doanh nghiệp có biện pháp kích cầu bằng việc khuyến khích khách hàng nhập hàng với số lượng lớn hơn, cùng với đó là tăng các chương trình khuyến mại nếu các đơn hàng của các đối tác tăng số lượng hàng nhập trong 1 lần, điều này sẽ khiến giá cước vận chuyển giảm đi trên cùng 1 chuyến hàng”, bà Đinh Tuyết Nhung chia sẻ.
Giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhà nước cần có sự điều chỉnh giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất. Đối với các hoạt động vận tải phải có sự tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều, khi đó sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá cả leo thang, các doanh nghiệp, đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.
Đại diện một số doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, Nhà nước nên xem xét, cho phép xã hội hóa kinh doanh xăng dầu để mọi thành phần tham gia nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, việc giá xăng dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra. Song mức ảnh hưởng này sẽ không lớn, bởi mức tăng năm nay sẽ không quá cao để phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí về: tiếp cận, quản lý, cũng như các chi phí liên quan ở mức thấp, thì sẽ giúp doanh nghiệp giảm thấp các chi phí trong sản xuất. Từ đó sẽ làm gia tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp có được chi phí hợp lý. Qua đó sẽ đẩy mạnh, phục hồi và phát triển kinh tế hiệu quả hơn.
Lê Pháp (T/h)