Theo Oilprice, lúc 6h ngày 20/07 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng Chín chững ở mức 107,35 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng Tám “neo” ở mức 104,22 USD/thùng.

Reuters đưa tin, giá dầu thô đã tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 19/07 khi các nhà giao dịch lo lắng về nguồn cung thắt chặt và đồng bạc xanh yếu. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã leo dốc lên mức cao nhất trong hai tuần.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng Chín tăng 1,08 USD, tương đương 1,0%, lên 107,35 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,62 USD, tương đương 1,6%, lên 104,22 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent đã chốt phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 04/07 và WTI cao nhất kể từ ngày 08/07. Trong phiên giao dịch, cả hai điểm chuẩn đã có thời điểm rớt giá khoảng 2 USD do dữ liệu kinh tế yếu từ khắp nơi trên thế giới.

Giá dầu thô tiếp tục giảm tăng giảm trái chiều
Giá dầu thô tiếp tục giảm tăng giảm trái chiều.

Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết dầu thô đã tạo ra một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong ngày. Theo vị giám đốc này, không hề có tiêu đề tăng giá màu đỏ lớn nào “bật đèn xanh” cho sự phục hồi giá này, nhưng sự kết hợp giữa lãi suất mở giảm và khối lượng giao dịch thấp thường sẽ khuyến khích sự biến động giá mạnh mẽ.

Giá dầu tăng đột biến, được hỗ trợ bởi lo ngại về nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng chịu áp lực bởi các nỗ lực của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc suy thoái tiềm ẩn có thể cắt giảm nhu cầu năng lượng.

Hôm 16/07, lãi suất mở trong hợp đồng tương lai của New York Mercantile Exchange đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 09/2015 khi các nhà đầu tư cắt giảm các tài sản rủi ro như hàng hóa, lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Xê-út với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận về việc tăng sản lượng dầu để “hạ nhiệt” giá nhiên liệu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao của Ả Rập Xê-út Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud cho biết vấn đề của thị trường không phải là thiếu dầu thô mà là thiếu công suất lọc dầu.

Tại Mỹ, kỳ vọng tăng tồn kho dầu thô đã ảnh hưởng đến giá cả. Nhiều nhà phân tích đã dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 19/07 đã báo cáo mức tăng dự trữ dầu thô là 1,860 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán mức tăng là 333,000 thùng; dự trữ xăng tăng 1,290 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15 tháng 7, so với mức tăng 2,927 triệu thùng của tuần trước; dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,153 triệu thùng trong tuần, so với mức tăng 3,262 triệu thùng của tuần trước.

Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản xuất dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 08/07 giảm 100.000 thùng/ngày xuống 12 triệu thùng/ngày,. 

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20/07 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.

Giá xăng dầu thế giới đã giảm khá mạnh trong tuần trước. Theo các chuyên gia trong nước, với đà giảm của giá xăng dầu thế giới, nhiều khả năng trong lần điều hành giá ngày mai (21/07) của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn, xăng sẽ giảm khoảng 2.500-3.000 đồng/lít, còn dầu giảm 1.200-1.500 đồng/lít/kg.

Lần điều chỉnh gần đây nhất ngày 11/07, giá xăng dầu trong nước đã giảm trên dưới 3.000 đồng/lít/kg.

Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần giảm thứ 3 liên tiếp của giá xăng trong nước.

Trang Nguyễn