Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 18/3 đến 2/5), giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít, cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo.
Giá xăng tăng lần thứ 3 liên tiếp, hàng hóa rục rịch tăng theo. (Ảnh minh họa)
Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội như chợ Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm… cho thấy, sau khi giá xăng dầu tăng lần thứ 2, giá nhiều mặt hàng thịt, rau, củ, quả và thủy hải sản đã tăng; đến lần tăng giá thứ 3 (ngày 2/5), cùng với tác động của hoá đơn tiền điện tăng, giá các mặt hàng lại càng được cớ tăng mạnh hơn.
Một tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Thành Công cho biết: Đa số các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với cuối tháng 4, giá hành từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ, củ cải trắng 18.000 đồng/kg, rau muống 17.000 – 18.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng). Tương tự với mặt hàng rau, củ, giá thịt bò bán lẻ tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông tăng 10.000 đồng/kg... Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hiện nay là do giá xăng, dầu tăng mạnh khiến nhiều chi phí đầu vào tăng đặc biệt là phí vận chuyển.
Sau khí giá xăng dầu tăng, dịch vụ Grab, các doanh nghiệp (DN) taxi cũng lo lắng có nên tăng giá cước vận chuyển hay giữ nguyên trong khi xăng dầu liên tục tăng giá. Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (DN sở hữu hãng Taxi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ: Giá xăng chiếm khoảng 35 - 40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá xăng tăng 3.500 đồng/lít khiến DN chỉ có thể hòa vốn bởi trong 4 năm qua taxi VIC chưa tăng giá lần nào, trong kỳ điều hành giá sắp tới, nếu giá xăng không giảm mà tiếp tục tăng sẽ buộc DN phải điều chỉnh giá cước khoảng 10%.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5 vừa qua, với lý do giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/ lít. Song thực tế, thông tin về giá mặt hàng này trên một số thị trường giao dịch lớn vào thời điểm những ngày đầu tháng 5 lại đang “lao dốc”.
Cụ thể chốt phiên giao dịch ngày 2/5, thời điểm giá xăng trong nước điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/lít, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ (WTI) giảm đến 1,86 USD xuống còn 61,74 USD/thùng. Tương tự, giá dầu Brent biển Bắc cũng giảm 1,62 USD/thùng xuống 70,56 USD/thùng, cả hai loại dầu này đã giảm gần 3% giá trị so với phiên giao dịch trước đó.
Bảng giá năng lượng thế giới ngày 3/5 cũng tiếp tục giảm, dầu WTI tiếp tục giảm mỗi thùng 0,06% và dầu Brent giảm 0,27% so với ngày 2/5.
Ngọc Lan (t/h)