Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Giải “bài toán” lao động để doanh nghiệp thích ứng sản xuất an toàn, linh hoạt, hiệu quả

Doanh nghiệp (DN) đang rất khẩn trương bắt tay vào tái hoạt động sản xuất để đáp ứng đơn hàng cuối năm; tuy nhiên, số lao động quay trở lại làm việc chưa đáp ứng được năng suất công việc.

Thiếu lao động trầm trọng

Ảnh hưởng đặc biệt từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến 1,3 triệu  lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Hiện nay tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc mới chỉ đạt 60-70% so với nhu cầu. Khoảng 17,8% DN bị thiếu lao động; trong đó, ngành điện tử là (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%)…

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN dệt may đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng đang thấp thỏm lo âu, sợ không kịp tiến độ giao hàng cho đối tác vì đến 60% lao động đã về quê; công suất hoạt động chỉ đạt 50-60%.  

Tương tự, do thiếu trầm trọng nguồn lao động, các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp ngành đồ gỗ, nội thất đa phần chỉ mới hoạt động được 30-40% công suất…

Để thu hút nhân lực quay trở lại làm việc tại các DN, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, các địa phương và DN cần hỗ trợ về chi phí đi lại, nhà ở, xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo an sinh xã hội...
Để thu hút nhân lực quay trở lại làm việc tại các DN cần hỗ trợ về chi phí đi lại, nhà ở, xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo an sinh xã hội...

Tại TP. Hồ Chí Minh có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, với hơn 320.000 lao động, 1.500 nhà máy. Hiện, 91% các DN của 18 khu đã hoạt động lại trong điều kiện bình thường mới (sống chung với dịch); 70% lao động (khoảng 200 nghìn lao động) đã trở lại làm việc; như vậy vẫn còn thiếu hụt hơn 100 nghìn lao động.

Theo các chuyên gia, thị trường lao động những tháng cuối năm sẽ tăng cao do nhiều ngành nghề được phép hoạt động trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, việc thiếu lao động đang ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục sản xuất của các DN và phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phía Nam. Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia về lao động cho rằng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh, y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (NLĐ).

Đồng thời, các địa phương cần phối hợp trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tạo điều kiện để NLĐ quay trở lại làm việc. Cụ thể, để người lao động yên tâm trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách thu hút, hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, thuê nhà, y tế; các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Khắc phục hạn chế, ổn định đời sống người lao động

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm rõ việc để người lao động quay trở lại làm việc, vừa giải quyết được nhu cầu lao động, phục hồi sản xuất, vừa bảo đảm quyền lợi của công nhân.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong đợt dịch vừa qua, có nhiều hạn chế đã bộc lộ, trong đó có những vấn đề đã tồn tại từ trước như vấn đề nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, đào tạo nghề…

Tới đây, Chính phủ sẽ có các chương trình báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề các địa phương và nhân dân quan tâm nhất là trước mắt làm sao để người lao động di chuyển về quê quay lại làm việc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, theo thống kê, số người lao động dịch chuyển từ các tỉnh miền nam về các địa phương là 1,3 triệu người, gồm những đối tượng người lao động có hợp đồng chính quy làm việc ở doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở các khu chế xuất và khu công nghiệp. Về cơ bản, các doanh nghiệp vẫn trả một phần lương nên số lao động trong nhóm này quay lại làm việc là tương đối tốt, còn những người chưa quay lại thì phần nhiều muốn chuyển dịch công việc và trong điều kiện dịch bệnh như vừa qua càng thúc đẩy việc chuyển dịch này.

Đối tượng thứ hai là người lao động, công nhân làm việc tại các công trường, doanh nghiệp nhỏ, có tính thời vụ. Với số này, khi dịch đến, người lao động không có cam kết dài hạn và cũng không biết lúc nào sẽ quay trở lại. Đối tượng thứ ba là người lao động tự do, đặc biệt số lượng rất lớn ở các tỉnh, thành phố phía nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ tư là những người đi theo, gồm có rất nhiều người nhà phải đi theo trông con, trông cháu cho người lao động.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình này đặt ra 2 vấn đề lớn cần giải quyết. Thứ nhất, vấn đề bất di bất dịch là phải kiểm soát dịch tốt. “Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết để trong 1 tháng tới đây kiểm soát dịch tốt. Bởi tâm lý người lao động rất lo ngại khi quay trở lại làm việc mà chúng ta kiểm soát dịch không tốt, để dịch bùng phát trở lại rồi lại quay trở lại phong tỏa như trước đây. Dứt khoát trong 1 tháng tới chúng ta phải kiểm soát dịch tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai là rất cần mở lại trường học, nhất là trường mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần lao động ở khu vực trên đều có con nhỏ ở các cấp học này, để giải quyết không chỉ vấn đề cho giáo dục mà còn cho cả lao động.

Dài hơi hơn, người lao động muốn được bảo đảm nếu quay lại làm việc thì ngoài đi lại có thêm hỗ trợ về nhà trọ trong một khoảng thời gian nếu cần thiết. Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề người lao động quan tâm là với sự can thiệp, phối hợp từ chính quyền địa phương, người thuê lao động trong trường hợp có dịch bùng phát trở lại cam kết trả một phần lương và không hủy hợp đồng. Về vấn đề này, các địa phương đã làm rất nhiều việc, lãnh đạo tỉnh đã xuống tận các doanh nghiệp để trao đổi và hiện cơ bản công việc đã được giải quyết từng bước.

Về phía Trung ương, theo Phó Thủ tướng, cần rà soát lại các quy định phòng, chống dịch sao cho an toàn, không quá phức tạp, đặc biệt xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong DN một cách linh hoạt.

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải có sự phối hợp, ủng hộ từ doanh nghiệp để lo cho công nhân của mình, tránh làm hình thức để xảy ra ca nhiễm hoặc nếu có ca nhiễm thì đẩy hết trách nhiệm về phía chính quyền.

Thêm gói hỗ trợ đặc biệt cho lao động quay lại làm việc

Bên cạnh đó, một yêu cầu quan trọng nữa là cần đưa ra một số quy định tạm thời nhưng thiết thực. Ví dụ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đang trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét về việc tạm thời áp dụng trong thời gian ngắn quy định đặc biệt về số giờ làm việc, có thể trong 1 tháng và kéo dài thêm, nhất là trong bối cảnh cuối năm có nhiều đơn hàng.

“Tạo điều kiện cho DN cũng chính là tạo điều kiện gián tiếp cho NLĐ. Các địa phương cần chủ động kết nối người lao động muốn quay trở lại nơi cũ để làm việc, bằng cách chủ động cung cấp thông tin, chủ động tiêm vắc xin và đưa đón người lao động. Sự vào cuộc của các tỉnh là hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng phân tích, các nước có điều kiện tương tự chúng ta như Thái Lan hay Indonesia cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động. Các nước này có kế hoạch mở cửa cho lao động nước ngoài vào, hoặc đều có gói hỗ trợ đặc biệt để NLĐ quay trở lại nơi làm việc; còn nước ta thì mở cửa để lao động ở các tỉnh đến.

“Chúng ta đã chủ động có những gói hỗ trợ nhưng tới đây, đề nghị Bộ LĐTB&XH, các địa phương xem xét có những gói hỗ trợ riêng cho NLĐ quay trở lại làm việc, đặc biệt lưu ý đến những người nhà đi theo”, Phó Thủ tướng đề xuất.

Về lâu dài, người lao động ở các vùng công nghiệp lớn, trước sức ép tăng trưởng, chúng ta phải thu hút lao động về. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua nhưng thực tế chống dịch vừa qua đã bộc lộ hạn chế, trong đó có những khu công nhân tập trung quá đông. Những khu có ký túc xá xây dựng đúng theo định hướng mới thì chống dịch thuận lợi hơn. Còn những khu nhà trọ dân sinh tình hình dịch bệnh rất phức tạp. “Lúc bình thường đã khổ, lúc dịch còn khổ hơn. Mỗi căn phòng trọ trên dưới chục mét vuông, thường phải thuê chung nhiều người”, Phó Thủ tướng nói.

Từ đó, Phó Thủ tướng nêu kiến nghị, tới đây bên cạnh các chương trình hỗ trợ nhà ở cho công nhân, cần phải xem xét từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ, đi vào giá trị gia tăng cao hơn.

“Đây là một vấn đề mà theo tôi đợt chống dịch lần này đã bộc lộ rất rõ, và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chiến lược thu hút lao động, thu hút đầu tư nước ngoài sau này. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị đúng, chúng ta vẫn có thể giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài để dịch chuyển cơ cấu lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Để giải quyết “bài toán” thiếu hụt lao động, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, bình thường DN đã phải chăm lo đến đời sống của công nhân như thu nhập, trợ cấp…

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, muốn công nhân quay trở lại làm việc như bình thường, đòi hỏi DN phải công khai, công bố những chế độ ưu đãi và cam kết thực hiện đúng. Các chế độ chính sách này phải cao hơn bình thường. Ví dụ, tiền tăng ca cao hơn, tăng thêm tiền hỗ trợ… Nghĩa là ngoài đảm bảo an toàn lao động nói chung, phòng chống Covid-19 nói riêng, phải có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động quay trở lại làm việc.

Về lâu dài, tiền lương, thu nhập phải cao hơn hiện nay vì ngoài trang trải cuộc sống, người lao động cũng cần có tích lũy. Cần có nhà ở cho công nhân, quan tâm đến việc học hành cho con cái của họ. Nói chung, cần nhiều giải pháp và các giải pháp phải đồng bộ với nhau.

TS. Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) phân tích, thực tế, nỗi lo thiếu hụt lao động đang hiển hiện tại DN. Ở chiều ngược lại, công nhân về quê đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, thu nhập bấp bênh. Để cung ứng hiệu quả lực lượng lao động cho DN trong thời gian tới, cần giải quyết 2 vấn đề chủ chốt.

Thứ nhất, làm thế nào để NLĐ được tự do đi lại. Theo đó, Chính phủ, các địa phương cần có giải pháp chung, đồng bộ về việc di chuyển sau khi nới lỏng giãn cách; đồng thời có lộ trình phù hợp về việc mở lại xe khách, tàu hỏa, đường hàng không và đường thủy.

Thứ hai là làm thế nào để giải quyết được vấn đề tâm lý cho người lao động. Doanh nghiệp lúc này cần thể hiện tinh thần muốn “đồng cam cộng khổ”, hỗ trợ và đảm bảo cuộc sống cho người lao động để họ yên tâm làm việc. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bản thân các DN cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong khi sau mở cửa chi phí sẽ độn lên rất lớn.

“Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách, gói hỗ trợ DN thiết thực hơn, đảm bảo tính kịp thời, song song, hỗ trợ người dân chủ yếu về giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt”, vị chuyên gia hiến kế.

Để khôi phục thị trường lao động cho DN, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đơn vị đang xây dựng 2 phương án.

Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại DN. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); cùng 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 và năm 3) vào làm việc tại DN. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại DN.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại DN để đảm bảo nâng cao tay nghề.

“Cả hai phương án đều có thể huy động được số lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nếu có nhu cầu. Nó cũng tăng cường kết nối nhà trường và DN, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên của các trường tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nhà trường hoàn thành đào tạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và giúp DN có lao động phục hồi sản xuất kinh doanh và phù hợp với các quy định về tổ chức đào tạo. 

 Bùi Quyền

Bài liên quan

Tin mới

MILO rèn sức bền cho trẻ qua chuỗi hoạt động online
MILO rèn sức bền cho trẻ qua chuỗi hoạt động online

Sau chuỗi sự kiện “Trạm sạc Sức bền 24h Khổng lồ”, từ ngày 20 tháng 4 năm 2024, Nestlé MILO sẽ lần lượt triển khai các hoạt động thú vị trên nền tảng số nhằm tạo sân chơi cho phụ huynh và trẻ em trên khắp cả nước dễ dàng tham gia để khám phá về sức bền và cách cải thiện sức bền, bao gồm “thử thách Bền Bỉ Hơn” trên Tiktok, “thử thách 7 ngày Bền Bỉ Hơn” trên Zalo cũng như ra mắt bài hát bền bỉ trên Youtube.

Đề nghị xử lý người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’
Đề nghị xử lý người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan vừa có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng liên quan đến người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’.

Cần đầu tư công viên, vườn dạo tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang
Cần đầu tư công viên, vườn dạo tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang

Các địa phương kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng cần có chủ trương về liên doanh, liên kết hoặc xã hội hóa trong hoạt động quản lý, duy trì, bảo dưỡng công viên, vườn dạo. Đồng thời, Thành phố hỗ trợ đầu tư nâng cấp, bổ sung thêm cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị, dụng cụ thể dục - thể thao để phục vụ nhu cầu người dân.

TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả lớn
TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả lớn

Cơ quan Công an quận 10, TP. Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công đường dây “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, thu giữ hàng 100.000 sản phẩm thuốc giả.

Giữa tháng 4/2024, xuất khẩu tăng thêm 15 tỷ USD
Giữa tháng 4/2024, xuất khẩu tăng thêm 15 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt xấp xỉ 209 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng thêm 15 tỷ USD.

Cà Mau tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Cà Mau tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế; Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường thực hiện phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.