“Tháo gỡ khó khăn”

Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, một lượng lớn nông sản của bà con vùng dịch Hải Dương bị dồn tắc nghiêm trọng.

Theo thống kê của tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch, với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.

Trước tình hình đó, tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn như: Kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị trong quá trình thu mua...

Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi việc lưu thông hàng nông sản qua các chốt kiểm soát dịch, thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã vào cuộc “giải cứu” nông sản của tỉnh (thu mua hàng nông sản và đưa về cấp, không thu tiền tại các địa phương bị phong tỏa vì ảnh hưởng của dịch). Một số hệ thống siêu thị cũng đã chung tay “giải cứu” hàng nông sản của tỉnh.

Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cũng đề nghị: Các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, phường, thị trấn tuyên truyền tới nông dân tại các vùng sản xuất, trước tiên hãy lựa chọn, chỉ cung cấp những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho các đơn vị, cá nhân thu gom mang đi tiêu thụ, không cung cấp những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị của nông sản tỉnh.

Các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua nông sản, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, chung tay, đồng hành chia sẻ khó khăn cùng nông dân Hải Dương, tiếp tục thu mua nông sản cho nông dân Hải Dương.

Người dân thu hoạch nông sản ở Hải Dương
Người dân thu hoạch nông sản ở Hải Dương

“Biện pháp dài hơi”

Theo Bộ Công Thương, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ 16/2), Bộ đã làm việc với các hệ thống phân phối như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MM Mega Market… về việc đồng hành, thu mua hàng nông sản từ Hải Dương.

Đến nay, Central Group đã thu mua rau, củ, quả của Hải Dương khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến sẽ tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market Việt Nam đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày (gồm su hào, cải bắp, ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng để đưa về miền Trung, miền Nam tiêu thụ…

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc giải cứu nông sản cần có quy trình, cấp độ, các phương án khác nhau và mang tính dài hơi... không chỉ đối với ngành nông sản mà còn cả các ngành khác. Để hỗ trợ lưu thông nông sản từ vùng dịch, cần làm tốt một số vấn đề:

Thứ nhất, cách thức thu hoạch, đóng gói, vận chuyển hàng hóa phải đảm bảo an toàn cho người giao nhận. Việc thực hiện thông điệp “5K” về phòng chống dịch là rất quan trọng.

Thứ hai, việc tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa cần có sự phối hợp ăn ý, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương, sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân cũng như người tiêu thụ sản phẩm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Nguyễn Quang Đồng cho biết, nên chia trách nhiệm lập kế hoạch cho địa phương lẫn cơ quan bộ, ngành. Đơn vị cấp bộ cần có sự đôn đốc và điều phối các vấn đề liên tỉnh như lưu thông hàng hoá, tiêu chuẩn kiểm dịch..., còn ở cấp cơ sở, đó là các kế hoạch cụ thể, bám sát tình hình thực tế.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đây là việc làm cấp thiết. Khi có quy trình, cấp độ, các phương án khác nhau và mang tính dài hơi để phòng chống dịch, cũng như các loại thiên tai khác, sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc ùn ứ hàng hóa.

Để “giải cứu” nông sản được hiệu quả, ngoài sự chủ động của người nông dân, cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, hiệp hội và DN trong chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản. Có như vậy,  mới thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH.

Tâm An