Báo cáo cho thấy, tín dụng bất động sản có xu hướng tăng nhanh kể từ năm 2017. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong các năm 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%.
Năm 2017 tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng của hệ thống NH tăng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%.
Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn tăng cao.
Năm 2019 tín dụng cho vay bất động sản tăng đột biến 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh 2020-2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt 12,06% và 15,7%.
Năm 2022 dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.
Theo NHNN, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn. Trong giai đoạn 2015-2023, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm tỉ trọng 18--21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.
Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các NH từ 24-34%. Cơ quan này cũng cho biết, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng.
Phương Thảo(t/h)