Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 19/10 cho biết Triều Tiên đã dường như đã phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) từ Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông. Nếu được xác nhận là SLBM, đây là vụ thử SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 2 năm qua và là vụ thử vũ khí thứ 8 từ đầu năm tới nay.
Dù JCS chưa xác nhận chính xác loại tên lửa cũng như tiết lộ thông tin chi tiết về vật thể này, các chuyên gia cho rằng đây có thể là một loại tên lửa mới tiên tiến được trưng bày tại triển lãm phát triển quốc phòng mà Triều Tiên tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên cuối tuần vừa qua. Xét về số lượng tên lửa và địa điểm thử nghiệm, đây có thể là một loại SLBM tầm ngắn tiên tiến mới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/10 xác nhận, Viện Hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu SLBM mới. Tên lửa được phóng từ tàu ngầm "8.24 Yongung" – con tàu từng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược cách đây 5 năm.
Theo KCNA, SLBM mới với công nghệ dẫn đường hiện đại, sẽ đóng góp lớn vào việc đưa công nghệ quốc phòng của Triều Tiên lên tầm cao mới và củng cố năng lực hoạt động dưới nước của Hải quân nước này.
Vụ phóng SLBM mới của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tham vấn các nước láng giềng về cách tiếp cận ngoại giao nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán. Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim dự kiến gặp người đồng cấp Hàn Quốc tại Seoul trong tuần này.
Củng cố sức mạnh quân sự hay chiến lược gây sức ép?
Trong những tuần gần đây, Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa và tên lửa siêu thanh. Vụ phóng tên lửa ngày 19/10 có thể được coi là động thái chiến lược tiếp theo nhằm tiếp tục gây sức ép với Hàn Quốc để đảm bảo những nhượng bộ Bình Nhưỡng mong muốn từ Mỹ, trong đó có việc loại bỏ “chính sách thù địch”.
Mặt khác, một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên phóng thử tên lửa mới không nằm ngoài các tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 1/2021. Khi đó, ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường khả năng quân sự của Triều Tiên.
Hàn Quốc và Mỹ gần đây cũng đẩy mạnh phát triển các vũ khí công nghệ cao với độ chính xác và độ sát thương cao hơn và được cho là nhằm vào Triều Tiên.
Hàn Quốc không chỉ thử SLBM mà còn thử nghiệm các loại vũ khí công nghệ cao khác, trong đó có tên lửa tầm xa. Trước đó đầu tháng này, quân đội Mỹ cũng cho ra mắt loại bom phá boongke có khả năng phá hủy các cơ sở dưới lòng đất.
Vụ phóng tên lửa mới cho thấy Triều Tiên dường như đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình SLBM, bởi tên lửa được phóng từ tàu ngầm chứ không phải trên mặt đất hay tàu nổi. Triều Tiên có thể đã tới gần hơn với việc đưa SLBM vào hoạt động.
Theo các nhà phân tích, xu hướng phát triển SLBM của Triều Tiên vừa để củng cố sức mạnh quân sự, và tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.
Trong bài phát biểu tại triển lãm quốc phòng mới đây, ông Kim Jong-un đã phát đi thông điệp tới Mỹ và Hàn Quốc rằng “kẻ thù truyền kiếp của Triều Tiên là chiến tranh, chứ không phải Hàn Quốc, Mỹ hay bất cứ nhà nước hoặc lực lượng cụ thể nào khác”.
Hai động cơ của Triều Tiên
Vụ phóng SLBM mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau khi Bình Nưỡng kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc từ bỏ “tiêu chuẩn kép” khi 2 nước này gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động “khiêu khích” trong khi coi các hoạt động tương tự của mình là “răn đe”.
Ở một khía cạnh nào đó, vụ phóng tên lửa mới nhất có thể được coi là “việc thường lệ” dựa trên “mô hình” phóng tên lửa của Triều Tiên giữa lúc Mỹ và Hàn Quốc tham vấn các vấn đề chung.
Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên có thể có 2 động cơ cho vụ phóng tên lửa ngày 19/10. Thứ nhất, tái khẳng định các yêu cầu trước đây và điều kiện tiên quyết của nước này phải được thực hiện trước khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào. Thứ hai, kiểm tra phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc để xem liệu 2 nước này có thể chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có nguyện vọng quân sự chính đáng hay không.
Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 vào tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào, lập trường của Triều Tiên đã rất rõ ràng: sẽ chỉ trở lại bàn đàm phán nếu Mỹ nhượng bộ trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này thực sự đã đưa ra các đề nghị chi tiết (nhưng không công khai) cho Bình Nhưỡng, nhưng không có phản hồi chính thức từ Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un gần đây cũng thể hiện không tin tưởng vào tuyên bố “không có ý định thù địch” của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng ông Kim có thể sẽ ngồi vào bàn đàm phán nếu Trung Quốc gây sức ép.
Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng đối với quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách biến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trở thành thời điểm đột phá.
Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 ở Hàn Quốc đã tạo động lực đáng kể để Hàn Quốc và Triều Tiên khôi phục mối quan hệ và tổ chức một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh trong cùng năm.
Đề xuất mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên đã thu hút sự chú ý từ Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên. Trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022, tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể đóng vai trò là nội dung chính trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)