Các lực lượng an ninh Saudi Arabia tập dượt cho một cuộc duyệt binh tháng 9/2015 (Ảnh: AP)
Mối thù hận kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia này còn bị khoét sâu hơn bởi sự khác biệt về tôn giáo. Mỗi nước tôn thờ một trong hai giáo phái chính của đạo Hồi.
Trong khi phần lớn người dân Iran lấy dòng hồi giáo Shia làm tín ngưỡng chính thì người dân Saudi Arabia lại tuân thủ nghiêm ngặt dòng Hồi giáo Sunni.
Bản đồ tỉ lệ phân bố người dân Hồi giáo Sunni sinh sống tại khu vực Trung Đông
Nhìn từ bản đồ trên cho thấy sự phân chia khu vực dân cư dựa trên tôn giáo được thể hiện rất rõ ràng. Do vậy, Iran và Saudi tự nhiên trở thành những "ông lớn" để các quốc gia khác trong khu vực tìm kiếm sự hậu thuẫn.
Về mặt lịch sử, Saudi Arabia, quốc gia khai sinh của đạo Hồi, luôn tự coi mình là cường quốc lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã thách thức quan niệm này khi thiết lập nên một loại hình nhà nước mới trong khu vực. Đây là 1 chế độ chính trị thần quyền với mục đích rõ ràng là truyền bá tư tưởng của nhà nước này ra các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Trong 15 năm trở lại đây, mối quan hệ xung khắc giữa Saudi và Iran đã ngày càng xấu đi bởi một loạt các sự kiện.
Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq hồi năm 2003 đã lật đổ tổng thống Saddam Hussein, vị nguyên thủ quốc gia theo đạo Sunni và vốn luôn chống lại các kế hoạch bành trướng sức ảnh hưởng của Iran tại nước mình.
Đến năm 2011 và cuộc nổi dậy trên khắp thế giới Ả Rập đã gây ra những bất ổn chính trị trong khu vực. Iran và Saudi Arabia đều đã tận dụng triệt để những biến động này để gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực, chủ yếu tại Syria, Bahrain và Yemen.
Giới phê bình cho rằng mục tiêu của chính phủ Iran là tự thành lập hoặc lập nên những người đại diện cho Iran tại khu vực để giành quyền kiểm soát vùng đất kéo dài từ Iran tới Địa Trung Hải.
Bản đồ tỉ lệ phân bố dân cư theo đạo Hồi giáo Shia tại Trung Đông
Nguyên nhân quan hệ song phương xấu đi
Cuộc cạnh tranh chiến lược đang nóng lên từng ngày do trên nhiều phương diện, Iran đang chiếm ưu thế hơn so với Saudi. Cụ thể là chiến trường tại Syria, lực lượng quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, do Nga và Iran hậu thuận, đã ở thế thắng lợi mặc dù gặp không ít sự chống đối của các nhóm nổi dậy do nhiều bên khác, trong đó có Saudi Arabia, chống lưng.
Riyadh đang cố gắng kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Tehran. Trong khi đó, những mục tiêu tham vọng về quân sự của thái tử Saudi Mohammed bin Salman cũng đang góp phần làm nóng quan hệ giữa hai thế lực ở Trung Đông.
Thái tử 32 tuổi, người vừa được bổ nhiệm vào tháng 6/2017, đang leo thang chiến dịch quân sự chống lại quân nổi dậy tại Yemen, vùng phía nam Saudi Arabia, nhằm chấm dứt sự ảnh hưởng của Iran tại đó. Sau gần ba năm chiến đấu dai dẳng, đây thực sự một cuộc chiến quá tốn kém.
Cùng lúc đó, Saudi bị cáo buộc là đứng đằng sau quyết định từ chức của thủ tướng Lebanon Saad Hariri hồi đầu tháng - động thái được cho nhằm tạo ra bất ổn tại một quốc gia đồng minh của Iran. Tại Lebaon, lực lượng vũ trang Hezbollah giữ vai trò chính trị quan trọng, kiểm soát số lượng binh lính lớn và được trang bị hiện đại.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố bên ngoài. Saudi nhận được sự ủng hộ của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump và cả sự ủng hộ từ Israel do lo ngại các tay súng ủng hộ Iran sẽ tràn vào lãnh thổ mình từ biên giới phía Syria.
Israel và Saudi là hai quốc gia luôn phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, ký vào năm 2015, vì cho rằng văn bản không có khả năng kiềm chế quốc gia Hồi giáo này chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nhận diện lực lượng của hai bên
Về cơ bản, bản đồ chiến lược của Trung Đông phản ánh rõ nét sự chia cắt giữa 2 dòng Hồi giáo Shia và Sunni.
Ủng hộ phía Saudi Arabia là những quốc gia quan trọng cũng theo đạo Sunni tại Vùng Vịnh như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Ai Cập và Jordani.
Còn phía Iran là chính phủ Syria của ông Assad, được Tehran ủng hộ mạnh mẽ, và các nhóm dân quân Shia ủng hộ Iran, bao gồm cả tổ chức Hezbollah tại Lebanon.
Chính quyền Iraq theo đạo Shia cũng là một đồng minh thân cận của Iran. Tuy vậy, chính phủ này vẫn giữ một mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ vì còn đang nhận sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Yemen là một trong nhiều mặt trận làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia (Ảnh: EPA)
Cuộc đối đầu Saudi Arabia-Iran diễn ra như thế nào?
Đối với nhiều người, cuộc đấu Iran-Saudi có ý nghĩa giống như đối đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Dù không đối đầu trực tiếp trên chiến trường nhưng hai nước đều can thiệp nhiều điểm nóng khu vực.
Chiến trường Syria là minh chứng rõ ràng cho nhận định này. Còn tại Yemen, chính quyền Riyadh cáo buộc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho nhóm phiến quân Houthi dòng Shia nhắm bắn vào lãnh thổ nước này. Sự kiện như đổ thêm dầu vào mối quan hệ vốn đã nhiều khúc mắc giữa Iran và Saudi.
Nhưng sau khi sa lầy tại Yemen và không thu được thành quả ở Syria, Saudi đang chuyển sang Lebanon. Nhiều nhà phân tích cho rằng cơ hội cải thiện tình thế của Riyadh không nhiều, vì có khả năng đi theo "vết xe đổ" tại Syria.
Nếu Lebanon hỗn loạn, Tel Aviv cũng sẽ bị lôi kéo vào cuộc nhằm chống lại Hezbollah. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Israel-Lebanon lần thứ ba với những thiệt hại dự đoán vượt xa so với những gì đã xảy ra trong hai cuộc chiến trước đây.
Thậm chí có giả thuyết cho rằng thái tử Saudi đang mong muốn cuộc chiến này xảy ra để hai lực lượng này tự "thanh toán" lẫn nhau.
Tỉ lệ xảy ra chiến tranh Iran-Saudi
Cho đến nay chính quyền Tehran và Riyadh đều đối đầu thông qua các cuộc chiến trong khu vực. Không chính phủ nào muốn khơi mào cho xung đột trực diện. Tuy vậy, một vụ tấn công tên lửa nhắm vào thủ đô của Saudi Arabia từ phía Yemen hoàn toàn có thể trở thành tác nhân khiến cho cuộc chiến bùng phát.
Nếu chiến tranh xảy ra, khả năng cao nó sẽ diễn ra tại khu vực biên giới trên biển tại Vùng Vịnh, nơi lực lượng hải quân Saudi và Iran đối đầu trực tiếp với nhau.
Chiến sự như vậy có nguy cơ mở rộng ra thành xung đột mang tính khu vực, vì Mỹ và các cường quốc phương Tây luôn coi trọng hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này. Vùng Vịnh là tuyến đường biển chính để vận chuyến hàng hóa và dầu mỏ trên thế giới, mà cả lực lượng hải quân và không quân Mỹ đều đang tuần tra liên tục.
Trong một thời gian dài, Mỹ và các đồng minh coi Iran là nhân tố gây bất ổn ở Trung Đông. Lãnh đạo Saudi Arabia luôn nhận định Iran là mối đe dọa hiện hữu, trong khi thái tử Salman cho thấy ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để làm suy giảm sự ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.
Điều nguy hiểm là những động thái quyết liệt mới đây của Riyadh đang khiến cho tình hình khu vực này ngày càng trở nên khó đoán.
Ngọc Nguyễn - SoHa