Ảnh minh họa. Nguồn: Economist
Đỉnh điểm mâu thuẫn
Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran chưa bao giờ leo thang căng thẳng như hiện nay, sau khi các lực lượng của người Houthi ở Yemen đã bắn một quả tên lửa đạn đạo trúng sân bay quốc tế Khaled tại thủ đô Riyadh ngày 4/11/2017.
Thái tử Mohammed Bin Salman của Ả Rập Saudi đã lập tức lên tiếng tố cáo Iran đứng sau vụ này và coi đây là hành động xâm lược trắng trợn của Tehran chống Ả Rập Saudi. Trong một hành động đáp trả, ngày 6/11/2017, liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã phong tỏa tất cả vùng trời, đất liền và cảng biển của Yemen.
Hội đồng Bộ trưởng Ả Rập Saudi đã họp khẩn cấp trích dẫn điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về quyền tự vệ của mình.
Iran đã phản ứng hết sức gay gắt, coi các tuyên bố của Ả Rập Saudi là sự đe dọa sử dụng vũ lực. Ngày 8/11/2017, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo mạnh mẽ Riyadh về sức mạnh của Tehran và tuyên bố Ả Rập Saudi sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả về sự gây hấn chống Iran.
Ông Hassan Rouhani nói các vụ tấn công bằng tên lửa do nhóm vũ trang Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào thủ đô Riyadh là hành động đáp trả lại các vụ oanh kích Yemen gần đây của Ả Rập Saudi.
Ông cũng cho rằng, Ả Rập Saudi đã phạm sai lầm chiến lược khi coi Mỹ và Israel là bạn còn Iran là kẻ thù.
Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran vốn trong tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" từ nhiều năm nay, đặc biệt sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran của giáo chủ Ayatollah Khomeini lật đổ chế độ Vua Shah Pahlavi cùng thể chế với Ả Rập Saudi năm 1979.
Riyadh và các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đứng về phía Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh chống Iran 1980-1988.
Quan hệ giữa hai phía tiếp tục căng thẳng khi Iran khôi phục lại chương trình hạt nhân, Ả Rập Saudi đã cùng với Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận Iran.
Đây là đợt leo thang căng thẳng lần thứ ba giữa hai nước kể từ khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud lên ngôi kế vị tại Ả Rập Saudi tháng 1/2015, sau khi Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz Al-Saud băng hà.
Ngay sau khi lên ngôi được ít lâu, tháng 3/2015, liên quân Ả Rập gồm 8 nước do Saudi đứng đầu đã mở chiến dịch quân sự "Decisive Storm" (Bão táp quyết định) ở Yemen chống lại người Houthi theo giáo phái Shia thân Iran.
Ngày 1/1/2016, chính quyền Ả Rập Saudi đã tử hình một lúc 47 người, trong đó có giáo sỹ hồi giáo Nimr Al-Nimr dòng Shia, gây làn sóng phẫn nộ ở một số nước, đặc biệt là Iran.
Phản đối sự kiện này, đông đảo người biểu tình Iran đã tấn công, ném bom xăng vào Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Tehran và Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại thành phố Mashhad, dẫn đến việc Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran ngày 3/1/2016.
Người biểu tình Iran ném bom xăng vào Đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Tehran. Ảnh: Reuters
Có thể nói tình hình hiện nay là căng thẳng nhất. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng khu vực Trung Đông đang đứng trước miệng hố chiến tranh.
Sự hỗn loạn đang bao trùm lên toàn bộ khu vực.
Các lực lượng Houthi đã phóng một quả tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800 km với độ chính xác cao nhằm vào thủ đô Riyadh và tuyên bố sẽ đánh sâu vào lãnh thổ Ả Rập Saudi, tất cả các sân bay, cảng biển của Ả Rập Saudi và Emirates nếu liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu tiếp tục không kích vào các vị trí của họ.
Kinh nghiệm ba năm qua cho thấy quân Houthi đe dọa là thực hiện, không có gì để mất nữa khi chiến tranh đã tàn phá gần hết đất nước Yemen.
Ít có nguy cơ chiến tranh
Mặc dù căng thẳng trong quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran đang lên đến đỉnh cao, không ai có dự đoán chính xác được điều gì sẽ xảy ra tại Trung Đông, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh nóng giữa Riyadh và Tehran là rất thấp.
Thứ nhất, cả Ả Rập Saudi và Iran không có lợi ích nào trong việc phát động một cuộc chiến tranh, đặc biệt là về quân sự Ả Rập Saudi không mạnh hơn Iran.
Cả Riyadh và Tehran đều không thể quyết định được thắng lợi trong cuộc chiến và không có đủ khả năng tiêu diệt lẫn nhau hoặc thay đổi chế độ hiện hành của nhau. Bởi vậy, thời gian tới vẫn sẽ là khẩu chiến kéo dài giữa hai nước.
Quốc vương Salman Bin Abdulaziz. Ảnh: AP
Thứ hai, nội bộ Hoàng gia Ả Rập Saudi đang bất ổn kể từ khi Quốc vương Salman Bin Abdulaziz thay đổi quy định của Hoàng gia, phế truất cháu trai khỏi ngôi vị Thái tử và đưa con trai Mohammed Bin Salman lên làm người thừa kế ngại vàng.
Để củng cố quyền lực của mình, thông qua cuộc chống tham nhũng, Thái tử Mohammed Bin Salman đã tiến hành bắt một loạt nhân vật, trong đó có 15 hoàng tử và một số cựu bộ trưởng. Thực chất đây là một cuộc thanh lọc các phần tử không ăn ý trong Hoàng gia lớn nhất từ trước tới nay.
Mặt khác, Ả Rập Saudi đang sa lầy trong cuộc chiến hao người tốn của tại Yemen kéo dài gần ba năm mà vẫn không giành được thắng lợi. Trong tình hình như vậy, Ả Rập Saudi khó có thể mở thêm một mặt trận mới với Iran.
Thứ ba, các nước Ả Rập chưa bao giờ trong tình trạng chia rẽ như hiện nay. Vai trò của Liên đoàn Ả Rập hết sức mờ nhạt. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh xảy ra tháng 5/2017 đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu giải quyết sớm. Phát động chiến tranh với Iran vào lúc này sẽ không nhận được sự đồng thuận trong nội bộ các nước Ả Rập và các nước vùng Vịnh.
Lực lượng chống đối người Yemen. Ảnh Reuters
Thứ tư, trên thực tế khu vực Trung Đông đang ở trong tình trạng chiến tranh với sự can dự của nhiều nước. Cuộc chiến ở Iraq, Syria, Yemen, Libya .... vẫn chưa kết thúc. Một cuộc chiến tranh mới giữa Ả Rập Saudi và Iran sẽ đầy toàn bộ khu vực Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn không có lợi cho bất cứ ai.
Tình hình căng thẳng có lẽ sẽ tiếp tục như hiện nay, Ả Rập Saudi sẽ tăng cường gây sức ép lên chính phủ Lebanon và phong trào Hezbollah thân Iran trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại đây. Việc Thủ tướng Lebanon Saad Al-Hariri quyết định từ chức do sức ép của Riyadh đã thể hiện điều này.
Thứ năm, nếu chiến tranh xảy ra, Iran hoàn toàn có thể kiểm soát eo biển Hormus, cửa ngõ có ý nghĩa sống còn đối với thương mại của Ả Rập Saudi. Một cuộc chiến bùng nổ, nhiều nước sẽ không ủng hộ Ả Rập Saudi, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, châu Âu đang ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đang liên minh với nhau để giải quyết cuộc xung đột Syria.
Vai trò không thể thay thế của Iran
Việc Iran nã tên lửa vào căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Deir Ezzor hồi tháng 6/2017 và lực lượng Houthi thân Iran bắn tên lửa vào thủ đô Riyadh là nhằm gửi đi một thông điệp về sức mạnh quân sự của Iran, đồng thời để khẳng định vai trò không thể thiếu được của Tehran trong các vấn đề của khu vực Trung Đông.
Với diện tích 1.648.195 km2, đứng hàng thứ 17 trên thế giới, dân số 90 triệu người, đứng hàng thứ 18 trên thế giới và tổng thu nhập quốc nội tính theo sức mua tương đương (PPP) 1.551 tỷ đô la, đứng hàng thứ 18 trên thế giới, Iran có vai trò hết sức quan trọng đối với hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trước đây, vào năm 1943, Tehran đã từng đăng cai Hội nghị cấp cao tam cường Xô-Mỹ-Anh với sự tham gia của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Iosif Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchil bàn mở mặt trận thứ hai ở Đông Âu và lên kế hoạch cuối cùng cho cuộc chiến chống phát xít trong Thế chiến II.
Vai trò của Iran quan trọng như vậy, các tranh chấp cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình. Cuộc chiến giữa Riyadh và Tehran sẽ chỉ có lợi cho Israel và Mỹ đang tìm cách chia rẽ Iran với các nước Ả Rập.
Theo SOHA