Một sinh viên kinh tế năm thứ nhất cũng đã có thể nói về công thức thành công của một ngành kinh tế, bởi xét về bản chất, đó là tổng hợp của ba bài toán: đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực.
Nhưng giải được những bài toán đó không dễ chút nào. Rất nhiều ngành kinh tế, nhiều địa phương chỉ làm được 1 hoặc 2 bước. Có nơi xây dựng được hạ tầng nhưng không thể thu hút đầu tư. Ngược lại, có nơi thu hút được đầu tư nhưng không có nhân lực chất lượng cao và không tiếp nhận được công nghệ.
Xét về lịch sử phát triển du lịch, Đà Nẵng đi sau Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Nha Trang… nhiều năm trời. Nhưng trong một thập kỷ qua, thành phố này đã tuần tự giải cả 3 bài toán trên một cách thành công.
Mười năm mở đường
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng du lịch của Đà Nẵng, chỉ sau 10 năm từ 2009 - 2018, doanh thu đã tăng gấp 15 lần. Cùng thời gian đó, mức tăng trưởng chung của cả ngành du lịch Việt Nam là 10,3 lần, còn TP.HCM thì tốc độ tăng trưởng sau 10 năm chỉ ở mức 4,2 lần.
Mười năm qua, Đà Nẵng đã mở đường cho du lịch theo nghĩa bóng bằng việc mở đường theo nghĩa đen, gồm cả đường bay và đường bộ. Từ năm 2009 - 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%. Sân bay Đà Nẵng từ đón 2 triệu lượt khách 2009 đã tăng tới hơn 13 triệu lượt khách 2018.
Cầu Vàng
Việc nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng năm 2017 là một chiến lược quan trọng giúp du lịch Đà Nẵng vươn tầm thế giới. Với quy mô đầu tư 35.000 tỷ đồng, sân bay quốc tế Đà Nẵng trở thành sân bay trọng điểm của khu vực miền Trung, mở thêm hàng chục đường bay thẳng quốc tế đến thành phố biển.
Cơ sở hạ tầng hiện đại chính là then chốt cho phát triển du lịch. Từ năm 2002, Chính phủ đã xác định Đà Nẵng là một đô thị trung tâm cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cuộc quy hoạch và đầu tư cho hạ tầng bắt đầu tiến hành trong thập kỷ này, và bùng nổ vào năm 2007 trở về sau.
Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai các dự án. Toàn bộ hai dải ven biển phía đông và Vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới.
Con đường Phạm Văn Đồng chạy dọc từ cầu sông Hàn ra hướng biển dài 1.600m, độ rộng 56m với 8 làn xe chạy, được xem là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của người dân thành phố Đà Nẵng. Trên trục đường này, khách sạn 4-5 sao nối nhau san sát.
Các khu resort kéo dài từ bãi biển Mỹ Khê chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa xuống tới Hội An (Quảng Nam) với chiều dài hơn 10 km cũng là tâm điểm cho các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD.
Các xóm nhà chồ trên sông Hàn được giải tỏa toàn bộ, để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới. Các cây cầu lần lượt được bắc qua sông. Đến nay, diện tích đô thị Đà Nẵng đã lên tới hơn 20.000 ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ.
Mười năm gọi vốn
Việc thu hút đầu tư tại Đà Nẵng, nếu chỉ nhìn vào những con số hiện tại, tạo ra một cảm giác khá dễ dàng. Nhưng đã có thời “du lịch” và “nhà đầu tư” của Đà Nẵng chỉ gói trong những quán hàng và khách sạn 3 sao.
Bước ngoặt chỉ diễn ra vào quãng năm 2008, khi chính quyền bắt đầu tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư lớn, và kêu gọi được những dự án hàng chục triệu USD. Cáp treo Bà Nà từng được nhà đầu tư Sun Group nhìn nhận là một dự án “không dám nghĩ đến việc thu hồi vốn”. Nhưng tập đoàn này đã làm vì “một lời hứa với Đà Nẵng”.
Toàn cảnh TP. Đà Nẵng
Và theo công thức, việc thu hút đầu tư cũng phải khởi đầu từ việc... mở đường. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã dốc công mở một con đường đến tận chân Ga đi cáp treo Bà Nà, với sự hỗ trợ của người dân, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng dự án.
Cho đến thời điểm hoàn thiện công trình cáp treo và giờ đã phát triển thành khu du lịch nổi tiếng và quan trọng nhất của Đà Nẵng - các lãnh đạo của Sun Group vẫn không cho rằng đây sẽ là nơi kiếm được nhiều tiền. Sau 10 năm, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nói rằng họ “bị thuyết phục bởi quyết tâm của lãnh đạo và người dân thành phố”.
Kể từ bước ngoặt đó, những sản phẩm du lịch nổi tiếng liên tiếp được tạo ra. Tính chung, thành phố có 323 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 97.699 tỷ đồng và 716 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 3,352 tỷ USD. Chiếm phần lớn trong đó là các dự án đầu tư cho du lịch.
Đến năm 2018, Đà Nẵng đã nổi danh toàn cầu với cây Cầu Vàng như dải lụa mềm được nâng niu bởi đôi bàn tay khổng lồ rêu phong trên đỉnh Bà Nà. “Hiện tượng Cầu Vàng” chỉ là phần chóp của hàng loạt sản phẩm du lịch chất lượng cao mà khối tư nhân đã đem đến thành phố này.
Các nhà đầu tư không ngại mời những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực để sản phẩm du lịch của họ được xứng tầm. Nhưng song song với đó, ngành Giáo dục- Đào tạo Đà Nẵng cũng chú trọng phát triển chuyên ngành du lịch trong các trường cao đẳng, đại học… để sẵn sàng đào tạo, cung cấp cho chính địa phương mình một lực lượng lao động có trình độ cao.
Hiện tại Đà Nẵng có tất cả 10 cơ sở cao đẳng, đại học đào tạo chính quy các chuyên ngành du lịch như Cao đẳng nghề Đà Nẵng; Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng; Cao đẳng Quốc tế Pegasus; Cao đẳng nghề Việt Úc; Đại học Duy Tân; Đại học Đông Á và các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng như: Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK).
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, trong dịp kỷ niệm 10 năm Bà Nà Hills từng phát biểu rằng, khu du lịch trên Núi Chúa “không phải là một biểu tượng du lịch”. Hơn thế, nó là biểu tượng cho cách Đà Nẵng lựa chọn con đường phát triển của mình, với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Ở đó, có đầy đủ kịch bản của hạ tầng – vốn và con người.
PV