Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - Hình 1

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu, tình trạng có những cây xanh phải trồng đi, trồng lại đến 5 - 6  lần vì người dân đổ nước sôi, dầu xuống gốc cây. Đề cập việc trước đây mỗi lần thành phố thực hiện đánh chuyển, chặt hạ thay thế cây xanh ở một số tuyến phố thì đều “vấp” phải sự phản đối của người dân, ông cho rằng đó là do cách làm chưa đúng.

“Trước đây, thất bại là chúng ta không tổ chức trồng mới, mà chúng ta cắt tỉa, đánh chuyển ngay nên đã động chạm đến tình yêu của người dân Hà Nội đối với cây xanh. Bây giờ, cắt tỉa trước rồi trồng mới bổ sung những cây thiếu, sau đó những cây xấu mới tiến hành đánh chuyển”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch lấy dẫn chứng việc đánh chuyển cây đa ở phố Khâm Thiên mới đây bằng cách trước khi đánh chuyển, công ty cây xanh trồng mới toàn bộ cây trên phố, sau đó cắt tỉa, trồng bổ sung, cuối cùng mới đánh chuyển nên đã được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận, trong quá trình trồng cây còn gặp nhiều khó khăn như nhiều người dân không muốn trồng trước cửa nhà, nên khi trồng đã phải trồng lệch so với khoảng cách, trồng vào vị trí giáp ranh giữa 2 nhà. 

“Có những cây phải trồng đi, trồng lại đến 5 - 6 lần vì họ cứ đổ nước sôi, dầu xuống nên cây bị chết. Ngoài ra, trước đây, cứ đến mùa Xuân là người dân có thói quen bẻ cành cây về vì quan niệm đó là hái lộc, nhưng đến nay sau khi tuyên truyền mạnh mẽ nên việc bẻ lộc đã hạn chế”, Chủ tịch Hà Nội cho biết.

Thành phố đã đưa ra được công thức về công tác chăm sóc cây xanh trên đường phố là “cắt tỉa - trồng mới - đánh chuyển - chăm sóc – cắt tỉa – làm đẹp”.  Đồng thời, yêu cầu công ty cây xanh khi trồng mới cây phải đáp ứng nguyên tắc “đa đạng, đồng bộ, đồng đều”.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết thêm, Hà Nội đã đề ra mục tiêu phấn đấu trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020. Ngoài ra, với sự phát triển của ngành công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng khí hậu lạnh có thể trồng được ở Việt Nam. Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng.

"Một năm nữa chúng ta có thể thấy, việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu", ông Chung cho hay.

Giải pháp thành phố đưa ra để tăng diện tích cây xanh, mặt nước là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp. Trên cở sở vừa thí điểm, vừa trồng, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó; đào tạo cán bộ công nhân viên cây xanh chuyên nghiệp, hiện đại. Mặt khác, Hà Nội sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước vào trong giảng dạy ở một số cấp học. Đồng thời, vận động người dân tham gia cuộc "cách mạng" trồng cây xanh, yêu cây, yêu hoa trở thành thành phố xanh trong tương lai. 

Thanh Bình