Hiện nay, nhiều làng nghề rơi vào tình trạng khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh sản phẩm và thị trường, trong khi, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất. Mặt khác, một số hạn chế còn tồn tại trong việc phát triển các làng nghề như vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, lao động có tay nghề còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ động…
Nhiều làng nghề chủ yếu mới đưa ra thị trường cái mình có, song lại thiếu tính kết nối với các điểm đến, nên chưa thu hút được thị hiếu của du khách. Không những vậy, sản phẩm chưa thể hiện được nét riêng ngay từ khâu bao bì, mẫu mã; cùng với đó là công tác quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư thích đáng... khiến nhiều làng nghề bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để phát triển làng nghề ổn định, bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp
Để phát triển làng nghề ổn định, bền vững, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; Nghị định số 123/2014/NĐ-CP; và các văn bản hướng dẫn đến các tổ chức cá nhân trong làng nghề.
Sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển làng nghề, làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Liên kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới và có sự ưu tiên đầu tư mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các làng nghề đặc biệt là các làng nghề nằm trong danh mục cần được bảo tồn, các làng nghề đã được công nhận. Đối với các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập, được ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết hợp với Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Xây dựng bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.
Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà nghiên cứu tham gia đào tạo và thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm để tạo ra các sản phẩm vẫn giữ được nét truyền thống mà vẫn đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Khuyến khích các nghệ nhân, các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất nghiên cứu, thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm. Hỗ trợ đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền để tạo ra sản phẩm vẫn giữ được nét truyền thống nhưng đáp ứng thị hiếu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Các HTX, cơ sở sản xuất tại làng nghề cần tăng cường áp dụng khoa học kĩ thuật, đưa máy móc thiết bị thay thế lao động thủ công ở những khâu, công đoạn có thể tùy từng ngành nghề.
Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản; khuyến khích và đầu tư hỗ trợ cho các nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới trong các làng nghề...
Theo nhận định của chuyên gia: Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm lưu niệm, quà tặng, các làng nghề cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng sản xuất, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Làng nghề cần ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn tới du khách. Thay vì phụ thuộc vào du khách nước ngoài, các làng nghề nên tập trung nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch nội địa, vì phát triển du lịch trong nước đang là một trong những giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường du lịch Việt Nam giai đoạn khủng hoảng này.
Hải Anh