Kiểm soát lạm phát thành công là nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2022 (Ảnh: chinhphu.vn)
Kiểm soát lạm phát thành công là nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2022. Ảnh chinhphu.vn.

Kỳ vọng đạt mục tiêu

Theo ghi nhận trong bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 06/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng Sáu bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, đã có khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Năm, cao hơn khoảng 70% so với tháng Tư và là con số cao nhất kể từ tháng 04/2020. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng Năm với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm 2021 là nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây 03 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng Năm đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 09/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, có nguyên nhân 1 phần xuất phát từ tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Vốn FDI thực hiện trong tháng Năm vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 06 tháng tăng liên tiếp.

Trong khi đó, lạm phát lại nhích tăng từ 2,6% trong tháng Tư lên 2,9% trong tháng Năm chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước). Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách Nhà nước tháng Năm tăng khoảng 29,4% so cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quý II/2022, sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta là rất ấn tượng, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Điều nay vô cùng có ý nghĩa trong lộ trình của mục tiêu phục hồi và tăng trưởng trung hạn và dài hạn.

Sự kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu trên 6% là rất lớn. Quyết tâm chính trị, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, cùng với việc kiểm soát được dịch bệnh sẽ là điều kiện tốt để Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng. Việc triển khai các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án từ nay đến năm 2025 và 2030 được thúc đẩy mạnh mẽ là cơ sở để hy vọng tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2022 sẽ đạt kết quả như mong muốn.

Với các gói hỗ trợ của Chính phủ hiện nay, trước hết là hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động, người lao động, cùng nhiều mục tiêu an sinh xã hội khác. Đây là những gói kích cầu rất kịp thời để tháo gỡ và giảm bớt những khó khăn trước mắt, để từ đó có điều kiện tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.

Những tháng cuối năm 2022, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân như đề xuất cấp có thẩm quyền giảm một số loại thuế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; có chính sách bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu để phát triển sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chính phủ cần sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt. Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên - vật liệu xây dựng, cần tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý; kiểm soát nợ xấu; có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ tối đa để người lao động không phải bất đắc dĩ rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là ở các địa bàn trọng điểm…

Kiểm soát tốt lạm phát

Gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. 

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.

Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý…

Trần Nguyên