Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo về “Đất và phân bón” do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ, được tổ chức thường niên với nhiều chủ đề khác nhau, hướng đến các vùng sinh thái và cây trồng chính trong cả nước. Các đơn vị đồng chủ trì hội thảo lần này cũng là những tổ chức tham gia tích cực trong triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây cũng là dịp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương gặp gỡ và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay và thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về đất và phân bón.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, hàng năm vùng ĐBSCL đóng góp 50 tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, đất lúa ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác đất chưa đúng cách. Việc tăng cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất lý, hóa và sinh học đất…
Với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu ha, diện tích gieo trồng hàng năm trên 3 triệu ha, hàng năm vùng ĐBSCL đóng góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của đất, tác động đến năng suất lúa và đời sống bà con nông dân. Đất lúa trong vùng cũng đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác chưa đúng cách. Việc đẩy cao cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất lý, hóa và sinh học đất…
Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết: Việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa thông minh gắn tăng trưởng xanh, phát thải thấp vùng ĐBSCL nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho kết quả tích cực trong vụ hè thu 2024. Trọng tâm là giảm lượng giống, ứng dụng công nghệ vào trong việc sạ lúa. Tuân thủ quy trình rút nước ướt khô xen kẽ, đây là điều quan trọng để giúp lượng khí phát thải trên đồng ruộng và giúp rễ lúa ăn sâu hơn…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ thực trạng về đất lúa và việc canh tác lúa tại ĐBSCL, cũng như tác động của BĐKH và các điều kiện sản xuất bất lợi. Đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác, cũng như thực hiện các biện pháp để bảo vệ, cải tạo, phục hồi độ phì nhiêu của đất canh tác lúa.
Cũng tại hội thảo, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã ký kết thỏa thuận hợp tác với IRRI về nghiên cứu, đánh giá và phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng ruộng giai đoạn 2024-2027; Thỏa thuận hợp tác giữa Bình Điền và các doanh nghiệp về thực hiện canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2027.
PV