Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường hiện nay đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoá mỹ phẩm, dược phẩm… những hàng hoá giả mạo, không rõ xuất xứ còn đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng.

Người tiêu dùng như rơi vào mê hồn trận khi hàng giả, hàng thật lẫn lộn. Thật khó để phân biệt, nhận biết được hàng hoá, sản phẩm mình mua liệu có đúng từ nhà sản xuất, phân phối chính hãng.

Phía doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng hiện đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi hơn từ các đối tượng làm giả, làm nhái nhãn hiệu nhờ môi trường internet, online. Việc lan toả thông tin nhanh, không dễ kiểm soát thông qua mạng xã hội cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm. Và khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp cũng phân vân, không biết nên lựa chọn phương thức nào để bảo vệ uy tín thương hiệu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng?.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua internet bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống càng khiến cho công tác quản lý, kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

Giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng giữa thực trạng hiện nay? Doanh nghiệp nên chọn đối mặt hay tìm cách “xoá dấu vết” về thông tin sản phẩm của mình bị làm giả, nhái?

Liệu có giải pháp nào để vừa có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như cơ chế nào để phối hợp, hỗ trợ thông tin xuyên suốt giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí để góp phần minh bạch thông tin tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường? 

Những câu hỏi đó đã được đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước giải đáp tại Diễn đàn “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng” do Cục Sở hữu trí tuệ - Văn phòng đại diện tại TP. HCM và Công ty Vina CHG phối hợp tổ chức sáng 27/11/2019.

Toàn cảnh Diễn đànToàn cảnh Diễn đàn

Các nội dung của phiên thảo luận như thực trạng và công tác quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường; Những khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn gốc hàng hoá của cơ quan chức năng được nêu lên.

Ngoài ra, vấn đề an toàn của người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ NTD trước thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường cũng được đề cập.

Ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục đã có các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hàng giả, điển hình là mắt cổng thông tin điện tử. Theo đó, bất cứ một đội quản lý thị trường nào trên cả nước sau khi phát hiện, bắt giữ hàng giả có thể đưa toàn bộ thông tin lên để các đơn vị khác trong Tổng cục biết, từ đó tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, số lượng của các đối tượng buôn bán hay làm hàng giả.

Tiếp đến, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp để cập nhật các sản phẩm để có thông tin cụ thể về các sản phẩm đang lưu hành cũng như chuẩn bị ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Trưởng Ban 389 Bình Dương, Kiểm soát viên chính thị trường - Cục Quản lý thị trường Bình Dương, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi, phức tạp từ nạn hàng giả. Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua Internet càng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

Vì vậy, theo ông Danh, cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Ông Nguyễn Viết Hồng, TGĐ Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) phát biểu tại phiên thảo luậnÔng Nguyễn Viết Hồng, TGĐ Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) phát biểu tại phiên thảo luận

 Nhiều doanh nghiệp tham dự diễn đàn cho hay, để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp đã thực hiện dán tem chống hàng giả cho từng sản phẩm. Cụ thể, hiện nay trên thị trường có Vina CHG là đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp chống hàng giả toàn diện mang tính pháp lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề và đã được cấp giấy phép hoạt động in tem chống hàng giả theo quy định 60/NĐ-CP/2014 của Chính phủ.

Giải pháp tem chống hàng giả do Vina CHG cung cấp đều ứng dụng công nghệ 4.0 và các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ các dịch vụ phần mềm đi kèm để lưu trữ dữ liệu khách hàng, quản lý kho, quản trị hàng hóa lưu hành, chống bán lấn tuyến, lấn vùng, marketing… đặc biệt hỗ trợ hiệu quả trong công tác điều tra, xử lý hàng giả.

Cũng tại Diễn đàn, nhiều sản phẩm thật từ các thương hiệu uy tín được trưng bày bên cạnh các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo để hướng dẫn phân biệt hàng thật – hàng giả cho quan khách tham dự.

 T.Nguyên