Cử tri lo lắng an sinh, xã hội

Tiếp tục phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh).

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân rất vui mừng về thành công của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đánh giá cao các ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có sáu kiến nghị; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung vào các nội dung được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm.

Đó là giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine (chú ý vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 tích hợp vào căn cước công dân; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế...

Cử tri cũng yêu cầu khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp phát hiện có sai phạm.

Cử tri đề nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc Covid-19; những đồng chí hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác phòng, chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.

Quốc hội ra quyết sách kịp thời

Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được trả lời 100%.

Cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.

Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát.

Cụ thể, Quốc hội giám sát tối cao hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế; về an sinh xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhân dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh...

Nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết và phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân, xem xét, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan vẫn còn một số hạn chế. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; việc phối hợp giữa một số bộ chưa chặt chẽ…

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đời sống của nhân dân.

 Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kỳ họp sau.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đề nghị phân tích rõ kết quả giám sát, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; phân tích rõ bản chất việc trả lời của các cơ quan chức năng đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...

PV