THCL Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm tăng 4,5% so với cùng kỳ trong khi chi ngân sách tăng 4,7%; bội chi ngân sách xấp xỉ 28% dự toán năm. Để chủ động ứng phó với việc giảm thu và nhu cầu chi NSNN phát sinh, Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường là một trong những giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước
Bội chi ngân sách đạt 70 nghìn tỷ đồng
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 5/2016, tổng thu cân đối NSNN thực hiện ước đạt 71,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm thu ngân sách đạt khoảng 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chỉ có thu nội địa tăng khá, sau 5 tháng đạt 321,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hai khoản thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, tương ứng 48,1% và 3,3%.
Tổng chi NSNN ước 95,68 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng, bằng 26,7% dự toán năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015; chi trả nợ và viện trợ đạt 64,55 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đến hết tháng 5, bội chi NSNN ở mức 70 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.
Nhằm chủ động ứng phó với giảm thu và nhu cầu chi NSNN phát sinh, đảm bảo cân đối NSNN năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; duy trì mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn tín dụng ngoại tệ...
Tăng cường kiểm soát chi
Nhiệm vụ thu, chi ngân sách trong những tháng cuối năm được Chính phủ yêu cầu khá cụ thể đối với Bộ Tài chính. Cơ quan này phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích, đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối NSNN; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành. Ngành Thuế và Hải quan cần tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế hết năm nay không quá 5% so với số thực thu NSNN năm 2016.
Việc quản lý chi NSNN phải thật chặt chẽ và tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Bên cạnh tăng cường kiểm soát chi, cần kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ. |
Theo Báo Công Thương