Không khó để mua một món “hàng hiệu” giá rẻ trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bất kể hàng hoá gì khi người tiêu dùng có nhu cầu chỉ cần tìm kiếm là ra hàng ngàn kết quả. Hiện, trên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội, hoạt động bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ “núp bóng” với danh nghĩa hàng “xách tay” diễn ra ngày càng phổ biến.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được các đối tượng lén lút vận chuyển, tập kết vào các kho chứa trữ phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử.
Các đối tượng thường tiến hành giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Viber, Facebook, Youtube… đăng ký thông tin không chính xác khiến tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng thêm phức tạp.
Qua công tác đấu tranh, lực lượng QLTT nhận thấy, hàng hóa vi phạm phổ biến là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như mắt kính, túi xách, quần áo, giầy (Boss, Lascote, Gucci, Porsche Design, Nike, Adidas…), đồng hồ (Rolex, Omega, Longines…), phụ tùng xe máy, thực phẩm (bột ngọt Aji-no-moto, Saji…), mỹ phẩm (Mascara Maybellin, sáp vuốt tóc hiệu LOREAL..), thậm chí có cả thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (nhãn hiệu 555, Craven), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả...
Để qua mặt lực lượng chức năng, đánh lừa người tiêu dùng, tại các điểm bán hàng, chủ hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau. Cũng với thủ đoạn lợi dụng việc người dân còn hạn chế trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả, ưa chuộng hàng giá rẻ nên các đối tượng đã sản xuất, phân phối, buôn bán hàng giả hoạt động với hình thức mua đứt, bán đoạn và không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, tại các địa bàn lân cận khu đô thị, các đối tượng thuê kho lớn, chứa hàng trăm ngàn sản phẩm đơn vị sản phẩm, thực hiện vận chuyển qua dịch vụ giao hàng để phân tán hàng hoá.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Cụ thể, nửa đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội đã xử lý 1.190 vụ, TP. Hồ Chí Minh xử lý 387 vụ, Thái Nguyên xử lý 89 vụ, Bắc Ninh xử lý 80 vụ...
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 41.702 vụ; phát hiện xử lý 25.619 vụ vi phạm, giảm 3,5%; thu nộp ngân sách gần 192 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020. Qua đấu tranh, lực lượng QLTT tịch thu hàng hóa (chưa bán phát mại) trị giá trên 141 tỷ đồng; buộc thu lại số lợi nhuận bất hợp pháp do vi phạm hành chính trên 1,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 102 tỷ đồng.
Gần đây nhất là vụ việc Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT, phối hợp với Công an đồng loạt ra quân kiểm tra 8 kho chứa hàng, cùng nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên. Quá trình khám xét, đã tạm giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, hàng gia dụng và rượu.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội cho biết, chiều ngày 16/07, Cục QLTT Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm, hàng hóa là mỹ phẩm, nước hoa… không có giá trị sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá gần 2 tỷ đồng. Trong đó có lô gần 500 con Đông trùng hạ thảo không nguồn gốc mới được lực lượng bắt giữ gần đây. Số hàng hóa tiêu hủy hôm nay là lượng hàng Đội QLTT số 1 kiểm tra, thu giữ từ ngày 17/06 đến ngày 17/07.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, công tác tiêu hủy được thực hiện công khai, thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, hạn chế các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về an toàn thực phẩm…tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT cũng dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục nắm diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, công tác tiêu hủy được thực hiện công khai, thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, hạn chế các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về an toàn thực phẩm…tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT cũng dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục nắm diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Phương Thảo
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)