Trong phiên hôm qua, sau khi giảm khá nhanh gần 10 điểm với áp lực bán dâng cao về cuối phiên, thị trường bước vào phiên chiều với nỗi lo gia tăng. Chỉ số VN-Index tiếp tục suy yếu khi nhóm bluechip rơi nhanh và có lúc đã giảm gần 25 điểm.
Nhưng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm thêm một lần phát huy tác dụng, khi giúp lực cầu nhập cuộc, dù không quá lớn nhưng cũng đủ giúp VN-Index dần hồi phục và đã chạm gần tham chiếu khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/4, tâm lý thận trọng bao trùm khi phiên hồi phục hôm qua chưa thể có đầy đủ cơ sở để tin tưởng về xu hướng sẽ tiếp diễn khi chủ yếu sức bật đến từ nhóm bluechip, cộng thêm vào đó hôm nay còn là phiên đáo hạn phái sinh.
Điều này khiến nhà đầu tư đứng ngoài, thanh khoản trở nên èo uột và chỉ số VN-Index sau nửa đầu phiên giữ sắc xanh nhạt đã đảo chiều giảm sau đó và lùi về gần 1.210 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 191 mã tăng và 227 mã giảm, VN-Index giảm 4,05 điểm (-0,33%), xuống 1.211,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 275,3 triệu đơn vị, giá trị 5.863,7 tỷ đồng, giảm 58% về khối lượng và 60% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,3 triệu đơn vị, giá trị 471,4 tỷ đồng.
Nhóm bluechip bị sắc đỏ chi phối với 17 mã giảm, nhưng đa phần cũng chỉ giảm nhẹ, trong đó, VIC dẫn đầu đà đi xuống khi để mất 2,4% xuống 45.300 đồng, HDB -2,34% xuống 22.950 đồng, VJC -1,9% xuống 104.000 đồng, các cổ phiếu MBB, GVR, PLX, TPB, CTG giảm 1,1% đến 1,5%.
Trái lại, chỉ hai cổ phiếu nhích hơn 1% là MSN +1,7% lên 67.200 đồng và VNM +1,1% lên 64.700 đồng, còn lại với đa số là các mã ngân hàng như STB, VPB, VCB, VIB, SSB chỉ tăng nhẹ.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với một số cổ phiếu đầu cơ hoạt động mạnh, như OGC, KPF, QBS, QCG, SMC và PSH đều đã tăng kịch trần khi kết phiên. Trong đó, PSH có thời điểm giảm sàn trước khi được mua mạnh, khớp lệnh bất ngờ cao nhất sàn HOSE với hơn 19,88 triệu đơn vị.
Các mã tăng khá đáng kể chỉ còn TDH +6,2% lên 3.750 đồng, PPC +4,6% lên 13.600 đồng, GMD +3,2% lên 80.900 đồng, HAX +3% lên 15.450 đồng, APH +2,5% lên 7.380 đồng.
Trái lại thì nhà đầu tư cũng chưa sẵn sàng bán giá thấp, nên phần lớn các mã giảm chỉ mất điểm nhẹ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, gần như các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn đều đã đảo chiều từ sắc xanh xuống dưới tham chiếu khi kết phiên này, với những cái tên như PDR, VND, DXG, GEX, HAG, TCH, DIG, VIX…
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index sau nửa đầu phiên tăng nhẹ đã lùi hẳn về dưới tham chiếu sau đó.
Kết phiên, sàn HNX có 76 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,17%), xuống 228,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,8 triệu đơn vị, giá trị 529,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,72 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh, với một số đáng kể đều là các mã nhỏ như DVG giảm sàn -7,4% xuống 2.500 đồng, AMV giảm hơn 6% xuống 3.100 đồng. Trong khi ngược lại là AAV tăng trần +10% lên 3.300 đồng và HTP +8% lên 13.500 đồng.
Phần còn lại biến động nhẹ với SHS, PVS, VFS, HUT, MBS, PVC, BVC chỉ mất trên dưới 1%, còn IDJ, IDC, DMV, DTD, LAS tăng điểm, trong khi CEO, TIG và MST đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã đảo chiều về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên cố gắng trụ ở vùng giá xanh.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,15%), xuống 88,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,3 triệu đơn vị, giá trị 134,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,68 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.
Phiên này, cổ phiếu AAH chiếm hơn một nửa thanh khoản khớp lệnh toàn UpCoM với 9,22 triệu đơn vị và giá cổ phiếu tiếp tục giảm sàn -14% xuống 3.700 đồng.
Đáng kể là những mã thanh khoản cao khác còn lại đều đa số tăng như ACV, BVB, VEA, DDV, VAB, VHG, AAS, còn ABB và BSR về tham chiếu, khớp từ 0,12 triệu đến hơn 0,73 triệu đơn vị.
Hà Trần (t/h)