Trong phiên hôm qua, VN-Index mở cửa với sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử và duy trì đà tăng mạnh trong suốt phiên sáng, thậm chí đã nhanh chóng vượt qua đường MA100.

Dù vẫn còn thận trọng khiến thanh khoản chưa được cải thiện, nhưng bước vào phiên chiều, lực cầu tiếp tục đổ vào thị trường, kéo nhiều mã leo lên mức kịch trần, đặc biệt là nhóm bất động sản đã giúp VN-Index bay cao, vượt qua ngưỡng 1.205 điểm khi đóng cửa với thanh khoản cải thiện đáng kể.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/4, sự thận trọng đã ngay lập tức quay trở lại thị trường và VN-Index sớm rung lắc, đảo chiều liên tục quanh tham chiếu dù chỉ là trong biên độ hẹp, thanh khoản cũng chậm lại khi nhà đầu tư chỉ túc tắc thăm dò.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Với diễn biến về điểm số, nhà đầu tư cũng quay về tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao, điển hình như QCG khi đã tìm lại mức giá trần tại 15.900 đồng sau ba phiên trước đó lao dốc.

Trong khi đó, cổ phiếu QBS lại bị chốt lời và giảm sàn về 1.540 đồng sau khi đã có liên tiếp ba phiên tăng điểm.

Đáng kể khác là ở nhóm VN30 với cổ phiếu FPT tiếp tục tăng tốt và nhích 4% sau phiên trước đó bùng nổ tăng kịch trần.

Giao dịch không có thêm diễn biến đáng chú ý nào ở nửa sau của phiên, khi nhà đầu tư đã phần lớn đứng ngoài, chỉ số VN-Index vẫn giằng co nhẹ, nhưng có phần đuối sức bởi sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử. Tuy nhiên, lực bán dù trải rộng nhưng không lớn nên VN-Index chỉ mất điểm không đáng kể khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 128 mã tăng và 304 mã giảm, VN-Index giảm 1,67 điểm (-0,14%), xuống 1.203,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 245,6 triệu đơn vị, giá trị 6.482,4 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,7 triệu đơn vị, giá trị 813,3 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa mạnh, nhưng đa phần chỉ biến động nhẹ về giá. Trong đó, ở những cổ phiếu tăng, đáng kể có FPT khi +3% lên 123.700 đồng và SAB +2,8% lên 55.100 đồng. Các mã lớn VCB, MWG và MSN nhích trên dưới 1,5%, còn BID, GVR, VNM, VIC, HDB chỉ tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, CTG dẫn đầu đà giảm, nhưng cũng chỉ mất 1,8% xuống 32.350 đồng, VRE -1,77% xuống 22.150 đồng. Các cổ phiếu HPG, MBB, SSI, TCB, TPB, VJC giảm từ 1% đến 1,5%.

Thanh khoản đáng kể có MWG khi dẫn đầu nhóm, đồng thời cũng là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 10,63 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động kém, với lác đác vài cái tên như QCG tăng trần +6,7% lên 15.900 đồng, nhưng chỉ khớp hơn 0,51 triệu đơn vị. Các cổ phiếu HID +4,2% lên 2.990 đồng, TVB +3,1% lên 7.900 đồng, và nhích hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn TSC, TNA, KSB, CMG, HNG, ELC, VTP, DMC.

Trái lại thì cổ phiếu QBS vẫn nằm sàn -6,7% xuống 1.540 đồng, khớp hơn 1,09 triệu đơn vị, EVF -3,6% xuống 13.400 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị; AAT -3,5% xuống 4.650 đồng, FIR -3,3% xuống 6.460 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sớm đuối sức do lực bán gia tăng và chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 1,46 điểm (-0,64%), xuống 226,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,5 triệu đơn vị, giá trị 456,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 61,3 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nhỏ AAV và VHE nổi bật khi tăng kịch trần lên 4.600 đồng và 3.000 đồng. Trong đó, AAV là mã thanh khoản cao thứ hai trên sàn với 2,42 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác ngoài IDC, HTP, DTD tăng nhẹ và MST đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm, dù phần lớn chỉ mất trên dưới 2%.

Trong đó, cổ phiếu SHS -1,6% xuống 18.300 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 5,06 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index sau những phút đầu tăng điểm cũng đã hạ dần độ cao và lùi về dưới tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,43%), xuống 87,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,85 triệu đơn vị, giá trị 107,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,09 triệu đơn vị, giá trị 33,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu tăng đáng kể có FOX +8,6% lên 4.900 đồng, khớp 0,38 triệu đơn vị, VGI +4,5% lên 62.900 đồng, khớp lệnh cao nhất UPCoM với 1,17 triệu đơn vị.

Hà Trần (t/h)