LTS: Hiện nay, thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề đáng lo ngại của người dân cũng như của các cấp các ngành. Thời gian qua, không ít các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được phát hiện tại các cửa hàng nhỏ lẻ, các nhà hàng, siêu thị lớn và ngay cả những cơ sở sản xuất thực phẩm. Những vi phạm này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, đồng thời làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính...
Mặc dù đã có nhiều cải tiến và nỗ lực của chính phủ trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.
Việc quản lý, kiểm soát và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn muốn làm tốt cần có sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tại các địa phương. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của chủ cơ sở kinh doanh và thói quen mua sắm của người dân, góp phần tạo ra một thị trường thực phẩm thực sự minh bạch và an toàn.
Tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được gửi tới quý độc giả những ghi nhận về một cơ sở kinh doanh thực phẩm được biết đến là “an toàn” tại thành phố Nam Định như là một góc nhìn khác liên quan đến thực trạng kinh doanh hàng hóa tại cơ sở này.
Đặt tại số 513 đường Trần Hưng Đạo – một tuyến phố chính chạy dọc thành phố Nam Định, cơ sở Ngọc Hường Mart được biết đến là điểm lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người dân quanh khu vực. Mỗi ngày có nhiều khách hàng ra vào mua sắm tại cơ sở này.
Từ nguồn tin cho biết, tại cơ sở này đang bày bán nhiều loại thực phẩm đông lạnh đã hết hạn sử dụng, nhiều sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã có mặt tại cơ sở này để ghi nhận thực trạng kinh doanh hàng hóa mới thấy: Những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.
Bày bán hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Bước vào siêu thị, trước mắt PV là hàng nghìn sản phẩm đủ chủng loại được bày bán bắt mắt. Nơi đây tập trung bày bán các sản phẩm thuộc nhóm nhu yếu phẩm, phục vụ người dân quanh khu vực và hành khách di chuyển trên cung đường cung đường huyết mạch nối giữa đầu và cuối thành phố Nam Định.
Ghi nhận tại quầy đông lạnh của siêu thị, nhiều sản phẩm nhập ngoại như cá, thực phẩm chế biến sẵn,… bên cạnh những sản phẩm nhập ngoại, chủ siêu thị này còn bày bán khá nhiều sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, ghi nhận hầu hết các sản phẩm giết mổ sẵn như gà và các sản phẩm thực phẩm từ gà đều không có dán tem nhãn đơn vị cung ứng.
Quan sát một khay tim gà để trong tủ trữ đông, PV nhận thấy bên ngoài khay tim gà này không được dán tem nhãn đơn vị sản xuất, xuất xứ sản phẩm, chủ siêu thị này cũng chỉ bọc sơ sài lớp màng li lông bên ngoài đã rách, để lộ bên trong là thực phẩm đã đóng đá.
Tương tự, tại quầy bán thực phẩm cá tươi sống, hàng chục khay cá hồi đã được cắt lát đóng gói cẩn thận. Tuy nhiên, không có bất cứ khay sản phẩm nào thể hiện xuất xứ sản phẩm cũng như ngày đóng gói, ngày hết hạn sử dụng sản phẩm.
Tại quầy trữ đông nhiều sản phẩm đông lạnh đã hết hạn sử dụng từ 1 đến trên 2 tháng vẫn bày bán cho khách hàng, chủ yếu là những sản phẩm được thu gom từ nội tạng của gà và gần như không có sự kiểm soát về hạn sử dụng từ phía chủ cơ sở này.
Dạo quanh một vòng tại cơ sở, PV nhận thấy mặc dù được quảng cáo là cơ sở bán thực phẩm sạch an toàn cho sức khỏe, nhưng đa phần những sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm tại đây đều không được dán tem nhãn hàng hóa. Theo đó, các sản phẩm như rau, củ, quả, đều có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung ứng là đơn vị nào. Các sản phẩm nông sản như trên bày bán như ngoài chợ, bất chấp các quy định của pháp luật liên quan.
Năm 2004, Bộ Thương mại cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của siêu thị chỉ rõ: Những hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị phải có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý của Siêu thị, Trung tâm thương mại và giám sát của khách hàng.
Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
Ngoài ra, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.
Nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nhập ngoại
Không dừng lại ở các sản phẩm nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ siêu thị này còn bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, qua quan sát, nhiều sản phẩm nhập ngoại không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Cụ thể, tại quầy mỹ phẩm, nhiều sản phẩm phục vụ chị em như sản phẩm đắp mặt nạ, sản phẩm chăm sóc da trên bao bì in chữ Nhật Bản và không có bất cứ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đên sản phẩm.
Ghi nhận đối với các sản phẩm bánh ngọt, thực phẩm nhập ngoại cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Những sản phẩm này trên bao bì thể hiện đến từ Trung Quốc, Nhật, Bỉ,… nhưng tuyệt nhiên không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, cũng không biết đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng, Ngọc Hường Mart là cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị, cửa hàng không phải là mã ngành kinh doanh thực phẩm sản phẩm nông sản lưu động hay tại chợ truyền thống. Chính vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước liên quan đến các sản phẩm mà đơn vị mình kinh doanh.
Những phản ánh trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Nam Định, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ. Ở bài tiếp theo, tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được tiếp tục phản ánh tới độc giả những địa điểm khác liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa phương này. Cùng với đó là những thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT địa phương ngay sau khi có thông tin mới nhất.
T.A