BĐS chịu tác động “kép”
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, chưa có một dự án nào được mở bán và trên 50% số sàn giao dịch BĐS trên cả nước trong số 1.000 sàn đóng cửa. Đây là minh chứng cho thấy lĩnh vực BĐS đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Ghi nhận tại một số sàn giao dịch BĐS tại quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội), hầu hết các sàn đều “cửa đóng then cài”, chỉ có sàn trên đường Lê Đức Thọ (Cầu Giấy) và Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm) còn mở cửa để đón khách tham quan nhà mẫu.
Các nhân viên sàn giao dịch chưa sẻ, từ đầu năm đến nay, hầu hết là khách hàng đến tham quan nhà mẫu, nhưng lượng khách đến cũng giảm rất nhiều.
So sánh với thời gian trước đây, các nhân viên này cho biết, trước đây, trung bình ngày có 15-20 khách tham quan, thì nay chỉ còn 1-2 khách, chủ yếu là khách có nhu cầu thực. Khách đến tham quan thôi chứ không hẹn ngày đặt cọc, giao dịch hay ký hợp đồng.
Còn nhớ năm 2019, có rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp BĐS. Đó là khi cùng lúc tín dụng bị siết lại, chính quyền và các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng các dự án để rà soát lại pháp lý… khiến nguồn cung nhà ở khan hiếm. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong năm 2019 vừa qua, trên cả nước chỉ có khoảng 10 dự án được khởi công.
Sang năm 2020, trong khi những khó khăn cũ chưa được tháo gỡ thì BĐS gặp thêm “cú bồi” đại dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới. Chịu tác động tiêu cực kép nên từ đầu năm chưa có một dự án nào được khởi công, ngoài dự án nhà ở xã hội của Viglacera ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Thậm chí, thị trường còn ghi nhận chưa có dự án nào được mở bán do nguồn cung khan hiếm từ những ách tắc những năm trước chưa được tháo gỡ, cộng thêm dịch bệnh không được tụ tập đông người. Nhiều chuyên gia dự báo, dự án không triển khai được đồng nghĩa với việc vốn sẽ bị “ngâm” tại dự án, nợ sẽ tăng lên, càng làm cho doanh nghiệp BĐS khó khăn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tp. HCM đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, để các dự án được “cởi trói” và các doanh nghiệp không lâm vào tình trạng phá sản.
Góc nhìn lạc quan
Có thể thấy, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường nhà ở trong giai đoạn này là rất lớn. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có BĐS. Tuy nhiên, ông Võ cũng cho rằng, chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua BĐS lúc này, còn giới đầu tư thì chưa xuống tiền.
Chuyên gia vẫn lạc quan nhận định sau đại dịch sẽ là cơ hội cho người mua nhà có nhu cầu ở thật
Về phía doanh nghiệp BĐS, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh MIKGroup cho rằng: “Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến mảng thương mại dịch vụ. Còn đối với BĐS nhà ở thì nhu cầu ở thật vẫn rất lớn và mức ảnh hưởng có thể gián tiếp hơn. Hơn thế, tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, có thể xảy ra khủng hoảng cục bộ ở một vài địa phương chứ không trên diện rộng cả nước”.
Ông Đính chia sẻ: “Thực sự vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu nhà ở, nhưng trong bối cảnh này, khách hàng lo an toàn, lo cho sức khoẻ của các thành viên trong gia đình, chứ không có tâm trạng mua sắm nhà, xe, trang sức… Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng lo chống dịch, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập đông người… Do đó, thời điểm này không phù hợp mua – bán BĐS, dẫn đến nhiều sàn giao dịch đóng cửa”.
Ông Đính cũng nhận định, mặc dù nguồn cung và cầu giai đoạn này thấp, nhưng hiện tại, hầu hết tại các dự án đang mở bán từ trước đến nay đều chưa thấy giảm giá, giá chung trên thị trường vẫn không có biến động.
Nhận định về thị trường nhà ở sau đại dịch, GS. Đặng Hùng Võ lạc quan cho rằng, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường.
Một số chuyên gia cũng dự báo, sau đại dịch, khả năng giá nhà sẽ giảm, vì các nút thắt về dòng tiền, thủ tục hành chính, pháp lý dần được giải quyết, các dự án ra hàng nhiều…, là cơ hội tốt cho người mua nhà.
Từ phía doanh nghiệp, ông Hiển dự báo, đây cũng là cơ hội tốt không nên bỏ qua với những doanh nghiệp có dự án và người có nhu cầu mua nhà thực. “Tôi nghĩ sau giai đoạn này, thị trường sẽ có những thay đổi tích cực ở từng phân khúc, từng thị trường riêng. Chẳng hạn như BĐS nhà ở, người ta sẽ quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh, an toàn cho cư dân. Tức là sẽ có sự trưởng thành của thị trường”.
Trúc Mai