Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và một số chính sách an sinh xã hội, tính tới hết ngày 3/10.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội từ 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 15,8 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 19 triệu lượt đối tượng.

Số đối tượng trên gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động và gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Hà Nội (1.473 tỷ đồng), Bình Dương (1.436 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (793,7 tỷ đồng), Đồng Nai (780,2 tỷ đồng), Bắc Giang (463 tỷ đồng), Bắc Ninh (224,5 tỷ đồng).

Với nhóm 3 chính sách hỗ trợ về bảo hiểm trong Nghị quyết 68, cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Số tiền tương đương gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68).

Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là trên 10,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 6,98 triệu đối tượng.

Đồng thời, 4.045 người lao động là phụ nữ mang thai và 79.680 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động nhận được hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí trên 83,7 tỷ đồng từ chính sách.

Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tiền ăn cho hơn 329.000 đối tượng F0, F1 với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng và trên 12.400 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã quyết định sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị hoặc cách ly tập trung với nhóm đối tượng F0, F1.

Tại 50/63 tỉnh, thành có gần 6,05 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 8,76 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết…

Yên Châu