Khảo sát trên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, PV Thương hiệu & Công luận nhận thấy tổng kho gia dụng Nguyễn Dương có rất nhiều khách hàng tới mua sắm trực tiếp. Nhân viên thì liên tục đóng hàng, chứng tỏ lượng khách mua sắm online tại đây cũng vô cùng nhiều.
Bên trong tổng kho này, với một mặt bằng khá rộng rãi, bán bán rất nhiều các mặt hàng, từ đồ gia dụng làm bếp, nhà tắm, cho đến thực phẩm bánh kẹo Tết, quần áo…. “Gi gỉ gì gi, cái gì cũng có”, nhưng sản phẩm có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì ít, mà sản phẩm không tem nhãn, xuất xứ rõ ràng thì nhiều.
Qua khảo sát, PV Thương hiệu & Công luận nhận thấy, rất nhiều sản phẩm có chữ Trung Quốc, hoặc ghi tiếng Anh với dòng chữ “Made in China”.
Cùng nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, Hà Đông này, cũng có một tổng kho gia dụng khác có tên Gia dụng Thảo Dương. Tại đây bày bán rất nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, đồ làm đẹp, thực phẩm ăn uống, gia dụng. Cũng giống như Gia dụng Nguyễn Dương, các mặt hàng tại tổng kho này cũng không tem nhãn phụ tiếng Việt, nhiều mặt hàng không có bất cứ một thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, cách sử dụng, bảo quản, thông tin về chất liệu, thành phần….khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Phía bên trong, nhiều nhân viên đang đóng gói các thùng hàng lớn, chứng tỏ lượng mua sắm online qua các kênh trực tuyến đang vô cùng nhiều.
Như vậy, có thể thấy, tại các kho gia dụng trên đường Lê Trọng Tấn đã bày bán rất nhiều sản phẩm nước ngoài không có tem nhãn mác theo đúng quy định của pháp luật. Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người tiêu dùng, vừa có thể gây thất thoát ngân sách Nhà nước với hành vi trốn thuế.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...
Những ngày Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề, các siêu thị đang bày bán rất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân. Thế nhưng, việc các tổng kho, cửa hàng bày bán rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến cho người dân hoang mang lo lắng, thậm chí các mặt hàng về thực phẩm còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đề nghị lực lượng chức năng nhanh chóng kiểm tra, xử lý dứt điểm những tồn tại về hàng hoá vi phạm quy định tại các tổng kho đồ gia dụng này.
Trúc Mai