Tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 11/11/2017 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tại khoản 3, Điều 31 quy định về xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng quá hạn sử dụng; tuy nhiên lại không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với khoản 3 điều này; áp dụng mức xử phạt chính (phạt tiền) quá thấp không đảm bảo tính dăn đe, giáo dục đối với các cơ sở vi phạm.

Hà Giang: Nhiều khó khăn trong công tác xử phạt hành vi vi phạm buôn lậu - Hình 1

Ảnh minh họa

Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tại điểm b, khoản 12, Điều 12 quy định đối với hành vi vi phạm hành chính về bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh, tàng trữ, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; ngoài xử lý xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng; như vậy đối với hàng hóa vi phạm đã bị tịch thu việc áp dụng xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng là khó thực hiện.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 02 Thông tư  (số 03 /2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016; số 06/2017/TT-BNNPTNT ngày 08/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03 /2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT) ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam: nên trong quá trình thực thi của lực lượng chức năng (đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa này tại các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; vì không phải là cơ quan chức năng được đào tạo, không có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu đối với mặt hàng thuốc trừ cỏ, khó phân biệt được các chủng loại thuốc nào được phép lưu hành hay bị cấm không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Hiện việc thực hiện Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, Bộ Công Thương chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP dẫn đến khó khăn trong việc xác định các điều kiện để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, BCĐ 389 tỉnh Hà Giang cho rằng, việc cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả chưa có sự phối hợp thường xuyên của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Nguồn kinh phí dành cho công tác chống buôn, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu và cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả mạo nhãn, nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, …

 Trên tuyến biên giới hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm là pháo từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn sảy ra nhỏ, lẻ. Nổi lên là hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kinh doanh hàng nhập lậu; vận chuyển pháo; vận chuyển lâm sản trái phép... Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm thủ tục hải quan, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được các lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm, đúng quy định.

Hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới của tỉnh diễn ra bình thường. Các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan đã triển khai đồng bộ, liên hoàn các biện pháp công tác nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp bí mật với biện pháp công khai để quản lý người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, chưa phát hiện có dấu hiệu lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, tập trung vào những địa bàn trọng điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về an toàn thực phẩm...;

Trong năm, động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không có diễn biến phức tạp, không xảy ra các vụ việc buôn lậu có tính chất, mức độ nghiêm trọng, không phát sinh những điểm nóng về buôn lậu, trước tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 hoạt động buôn lậu có gia tăng nhưng đã được ngăn chặn có hiệu quả, các vụ buôn lậu chủ yếu là hàng tạp hóa, hàng tiêu dùng, phân bón nông nghiệp (quần áo, gia cầm, sản phẩm gia cầm, xúc xích, phân bón...).

PV