Cục Thống kê tỉnh Hà Nam vừa tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê Vũ Đại Dương cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 26.891 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023. GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây.
Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Hà Nam đứng thứ nhất trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ tư toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Vũ Đại Dương cũng cho biết thêm, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tốc độ tăng IIP 6 tháng đầu năm: Năm 2020 (+6,1%); năm 2021 (+13,8%); năm 2022 (+11,1%); năm 2023 (+10%).
Thu hút đầu tư đạt khá, tính đến ngày 10/6/2024, toàn tỉnh có 368 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 5.703 tỷ đồng, tăng 10% về số doanh nghiệp và tăng 82,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút được 29 dự án đầu tư mới; lũy kế đến hết tháng 6/2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.205 dự án đầu tư còn hiệu lực (397 dự án FDI và 808 dự án trong nước) với vốn đăng ký 6.278 triệu USD và 172.796 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 46% kế hoạch năm. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước tính đạt 8.116 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 50,5% dự toán địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 26.176,6 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực xã hội: Y tế, giáo dục, lao động việc làm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng.
Về định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024, Cục Thống kê tỉnh khuyến nghị một số nhóm giải pháp. Trong đó tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn.
Đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm trong nước và quốc tế; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Vân Anh