Hiệu trưởng bị “tố” hàng loạt sai phạm

Cụ thể, trong đơn tố cáo gửi tòa soạn cùng các cơ quan chức năng liên quan, cô P.A trình bày: Ông Nguyễn Thế Hưng được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái từ năm 2011 đến nay, nhưng bộc lộ sự yếu kém về năng lực trong công tác quản lý, điều hành công việc.

Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhà trường, ảnh hưởng tới môi trường giáo dục Thủ đô, khiến cán bộ, giáo viên trong trường vô cùng bức xúc, mất niềm tin trong công tác giảng dạy và trong cuộc sống...

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 1

Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội)

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không thực hiện đầy đủ chính sách đối với giáo viên, nhưng lại không trung thực trong việc tổng kết báo cáo (cụ thể là vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, giáo viên hàng năm).

Chỉ đạo giáo viên của trường tổ chức dạy thêm trái quy định trong nhiều năm học với các tiết học được gọi là “chuyên đề”, nhưng luôn tìm cách đối phó, bao biện cho việc làm của mình. Khi có sự việc xảy ra thì đổ lỗi cho cán bộ dưới quyền và giáo viên.

Không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014.

Cho thuê cơ sở vật chất của trường để gửi xe ô tô, khai thác nhà thể chất và sân bóng, căng tin... hàng tháng thu tiền, nhưng không công khai tài chính trước tập thể giáo viên nhà trường về các khoản thu này.

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 2

Đơn tố cáo ông Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái gửi các cơ quan chức năng

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Hưng còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn điều hành công việc một cách tùy tiện, có biểu hiện đe dọa, trù dập cán bộ, giáo viên (trực tiếp là cô P.A).

Trao đổi với phóng viên, cô P.A bức xúc cho biết: “Trường THPT Phạm Hồng Thái trải qua hơn 40 năm thăng trầm và phát triển, trong đó có sự dày công xây dựng của các thể hệ cán bộ lãnh đạo và tập thể của nhà trường. Tuy nhiên, trước những việc làm trên, tôi nhận thấy dù ông Nguyễn Thế Hưng, là cán bộ lãnh đạo, nhưng bộc lộ những biểu hiện của sự yếu kém trong nhận thức, trong công tác quản lý.

Là Đảng viên nhưng có những lời nói, việc làm tùy tiện, vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy định của pháp luật, làm mất uy tín của nhà trường đối với phụ huynh và học sinh, ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ giáo viên trong trường và làm mất niềm tin của giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục...”.

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 3

Sổ đầu bài các tiết học của lớp 12D6 Trường THPT Phạm Hồng Thái khóa học 2014 – 2015 (Ảnh do người viết đơn cung cấp)

Theo đó, cô P.A đã làm đơn gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng liên quan tố cáo những hành vi sai trái của ông Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái.

Theo cô P.A cho hay, sau nhiều tháng gửi đơn tố cáo – mong sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhưng đến nay ngoài Sở GD&ĐT Hà Nội có Văn bản số 1139/SGD&DT-GDPT, trả lời đơn tố cáo của cô (nhưng chưa trả lời đầy đủ các vấn đề đã nêu trong đơn), còn các cơ quan chức năng khác thì đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản trả lời cụ thể nào...

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 4

Văn bản số 1139/SGD&DT-GDPT của Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời đơn tố cáo của cô P.A (Ảnh do người viết đơn cung cấp)

Trước sự việc trên cô P.A đề nghị Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội và các cấp chính quyền sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ những việc làm sai trái của ông Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm, trả lại cho trường THPT Phạm Hồng Thái một môi trường giáo dục trong sạch, vững mạnh.

Hiệu trưởng khẳng định không làm sai?

Trước những nội dung tố cáo trên, chiều ngày 7/8, phóng viên báo Thương hiệu & Công luận đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái. Tại buổi làm việc, ông Hưng thừa nhận: “Đúng là có một giáo viên của trường đã gửi đơn tố cáo, nhưng là gửi trực tiếp lên Sở GD&ĐT Hà Nội, chứ trường chưa hề nhận được bất cứ đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của giáo viên. Vừa qua, Sở GD&ĐT cũng đã có Văn bản trả lời đơn của giáo viên này rồi...”.

Đối với các nội dung tố cáo, ông Hưng khẳng định: “Không có việc tôi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đe dọa, trù dập cán bộ, giáo viên...”.

Về việc tổ chức dạy thêm, ông Hưng cho hay: “Trường không tổ chức dạy thêm. Với những tiết chuyên đề, trường cũng không thu tiền của học sinh. Bởi chúng tôi làm theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT về hình thành các tiết chuyên đề để hỗ trợ học sinh (từ những năm 2010 – 2015)... Số tiết chuyên đề trong 1 tuần tùy thuộc vào hội thảo giữa nhà trường và tổ chuyên môn, không phải thông qua ý kiến phụ huynh học sinh, vì nó mang tính chất chuyên môn và nằm trong sự chỉ đạo của Sở”.

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 5

Thời khóa biểu năm học 2013 – 2014 có ghi các tiết học chuyên đề (Ảnh do người viết đơn cung cấp)

Về việc không đứng lớp giảng dạy, nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014, ông Hưng lý giải: “Tôi có đứng lớp và tham gia giảng dạy. Từ năm 2014 đến nay thì rất đầy đủ, còn trước năm 2014 thì có giảng dạy, nhưng không đầy đủ, vì lịch sử nhà trường thời điểm này bị mất đoàn kết trầm trọng, rất khó khăn, nên hiệu trưởng không đủ sức để tham gia...”.

Đối với việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, giáo viên hàng năm, ông Hưng cho rằng: “Trường đã thực hiện đúng. Bởi, theo Bộ luật lao động quy định mỗi năm phải tổ chức cho cán bộ giáo viên một lần, không nhất thiết là ngày nào cả. Do vậy năm nào chúng tôi cũng tổ chức cho cán bộ giáo viên đi khám một lần, chỉ có điều là thời gian khám giữa các năm hơi lệch nhau mà thôi...”.

Việc trường cho thuê cơ sở vật chất như: Sân bóng, nhà thể chất, căng tin... cho gửi ô tô thu kinh phí hàng năm, nhưng không công khai minh bạch về tài chính, ông Hưng cho hay: “Không có việc trường cho gửi ô tô thu tiền như trong đơn tố cáo. Còn sân bóng, thứ nhất là Sở chỉ đạo, theo Nghị định hay Thông tư 43 gì đấy ra đời, cho phép trường phối hợp với một đơn vị chức năng để cải tạo sân này. Sau cải tạo thì học sinh có sân bãi để học và sân này trường không cho thuê mà giao cho nhóm tổ Thể dục – Quốc phòng quản lý theo hình thức hợp đồng.

Ngoài việc phục vụ học sinh của trường trong giờ học, thì họ có cho thuê, thu tiền và nộp lại phần trăm cho trường. Số tiền này hàng năm vẫn nộp vào ngân sách và trường đều có báo cáo đầy đủ gửi Sở GD&ĐT, Sở Tài chính”.

Hà Nội: Cần làm rõ những nội dung tố cáo của giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hình 6

Bảng lương (4 tháng đầu năm học 2014) có chữ ký của ông Nguyễn Thế Hưng - Hệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ảnh do người viết đơn cung cấp)

Cũng theo ông Hưng cho biết, tất cả các nội dung tố cáo, trường đều có đầy đủ các tài liệu, văn bản, danh sách... để chứng minh trường làm đúng quy định. Bên cạnh đó, mỗi một mảng trường đều giao cho một bộ phận phụ trách riêng quản lý, vì vậy để các bộ phận này có mặt đầy đủ, trả lời các câu hỏi, cung cấp tài liệu liên quan cho phóng viên... trường sẽ bố trí một buổi làm việc vào hôm sau.

Trước sự việc trên, để tránh việc khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng tới bề dầy truyền thống của Trường THPT Phạm Hồng Thái, khiến tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh hoang mang, gây tác động không tốt tới môi trường giáo dục... đề nghị Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ những nội dung tố cáo nêu trên.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc