Cao ốc mọc nhanh như… nấm
Việc phát triển các KĐT, TTTM, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông - là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, các dự án cao ốc, TTTM, các công trình tập trung đông người đã được cấp phép xây dựng, đưa vào khai thác, nhưng hạ tầng giao thông không được mở rộng khiến tình trạng tắc đường, kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Phát triển đô thị không đồng bộ khiến giao thông luôn trong tình trạng “vỡ trận”
Tại Hà Nội, một tuyến đường khoảng 6 km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến, đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Trên trục đường Trần Phú, có hàng chục khu nhà từ 17 - 30 tầng mọc lên như Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza... Các tòa nhà san sát nhau hoặc chỉ cách nhau vài trăm mét.
Tuyến đường Tố Hữu và tuyến đường 70, đoạn từ Hà Đông đến Cầu Tó, một trong những nỗi ám ảnh đối với những người tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Tại đường Tố Hữu, nguyên nhân xảy ra tắc đường là do đường này được ví như là “độc đạo” nối quận Hà Đông với trung tâm Hà Nội. Dọc 2 bên tuyến đường, hàng chục dự án khu đô thị, chung cư cao tầng đã hoàn thành.
Trong đó, nhiều dự án KĐT quy mô lớn với dân số lên tới 2 - 3 vạn người như Dương Nội, Văn Khê, Trung Văn… Chính điều này đã khiến hạ tầng khu vực đường Tố Hữu đang gia tăng áp lực và luôn trong tình trạng quá tải.
Cung đường 70, đoạn từ Hà Đông đến Cầu Tó, thường xuyên tắc đường... khủng khiến có ngày hàng nghìn phương tiện giao thông bị “chôn” suốt nhiều tiếng đồng hồ. Đường 70 có mặt cắt ngang rộng 40 m, gồm 2 lòng đường xe chạy chính và dải phân cách, vỉa hè - có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa vùng phía tây nam với quận Hà Đông, xuyên qua Thanh Trì ra QL1A.
Chính vì sự quan trọng đó nên từ nhiều năm qua, tuyến đường này luôn phải oằn mình trước lưu lượng phương tiện giao thông qua lại. Đặc biệt, 2 bên tuyến đường này là hàng loạt KĐT với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người. Lòng đường, chiều dài của tuyến đường bao năm dường như không thay đổi, nhưng dân cư lại tăng gấp hàng chục lần.
Mặc dù cao ốc mọc lên “như nấm” trên khắp các tuyến phố, nhưng hạ tầng giao thông lại nguyên hiện trạng, không thể đáp ứng nhu cầu đi lại khi mật độ dân số tăng cao.
Quy hoạch “mạnh ai nấy làm”
Thực tế cho thấy, phát triển đô thị ở Hà Nội đang theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chỉ cần có đất là một số nhà đầu tư tìm mọi cách “can thiêp” - xây chung cư để bán và thu lợi nhuận “khủng”, còn việc khớp nối giao thông, người dân đi lại thế nào thì chưa được chú ý…
Bà Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, trong các quy hoạch của Hà Nội đều có quy hoạch về giao thông, nhưng thực tế là giao thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức mà đang quan tâm quá nhiều đến xây nhà ở.
Điển hình cho việc phá vỡ quy hoạch là tại KĐT Linh Đàm. Trước đây, nó được ví là “KĐT kiểu mẫu” - đầu tiên đáng sống của nhiều người dân Thủ đô. Giờ đây, Linh Đàm không còn là KĐT kiểu mẫu mà đã “biến dạng” bởi hàng chục cao ốc chung cư 35 - 40 tầng mọc lên (người dân vẫn gọi là “chung cư tổ kiến”). Những “chung cư tổ kiến” này thuộc sở hữu của đại gia “điếu cày” Lê Thanh Thản.
Từ khi có sự xuất hiện của DN xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (Điện Biên) thì Linh Đàm không còn là nơi đáng sống nhất nữa, mà thay vào đó nó được ví như “bom nổ chậm” bởi phải đối mặt với quá nhiều hệ lụy như áp lực gia tăng dân số, cháy nổ, ngập lụt, tắc đường, an ninh…
Theo thống kê, trước khi lên phường, Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ dân (gần 7.000 người). Nhưng nay, chung cư “mọc” lên rầm rộ khiến dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến: Khoảng 8.500 hộ dân (chừng 32.000 người). Chưa dừng lại, dự báo đến hết năm 2017, với việc hoàn thiện thêm hàng chục ngàn căn hộ thì dân số phường Hoàng Liệt sẽ tăng thêm khoảng 20.000 hộ dân (tương ứng 80.000 dân).
Việc gia tăng dân số một cách chóng mặt - là kết quả của những lần điều chỉnh quy hoạch, thay đổi công năng của rất nhiều dự án, khu đất ở khu vực này trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn. Nhiều chủ đầu tư đã xin điều chỉnh, chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn thành diện tích nhỏ, điều chỉnh từ chức năng văn phòng thành chức năng hỗn hợp (có nhà ở)…
Từ việc điều chỉnh quy hoạch và thay đổi công năng của nhiều dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, các công trình nhà cao tầng ở khu vực trung tâm được thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng trên cơ sở phù hợp quy hoạch đã được duyệt... Song thực tế nhiều nơi, các dự án nhà ở đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây ra sự quá tải cho hạ tầng.
Bất cập này đã được UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên môn thấy rõ và có hướng khắc phục. Tuy nhiên, hướng khắc phục chỉ là giải pháp trước mắt bởi “gạo đã nấu thành cơm” nên việc giảm, gỡ tắc về giao thông ở khu vực các dự án này chỉ là giải pháp cục bộ, tình thế…
Ngọc Linh