THCL Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do Corona vi rút (Mers – CoV). Tại buổi giao ban thường kỳ của Thành ủy chiều ngày 23/6/2015, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo tình hình, và phương án phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Hà Nội: Chủ động phòng chống vi rút Mers – CoV - Hình 1

 

TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế HN tại buổi họp báo

Diễn biến bệnh dịch

Mers – CoV là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi Corona mới (một vi rút có nguồn gốc giống vi rút bệnh Sars), phát hiện lần đầu tiên tại Ả Rập Xê Út vào tháng 9/2012.

Theo thông báo của Bộ Y tế, đến ngày 22/6/2015 thế giới đã ghi nhận 1.340 trường hợp mắc, 473 trường hợp đã tử vong (35,3%). Bệnh lưu hành chủ yếu ở 9 nước khu vực Trung Đông và 18 quốc gia khác trên thế giới ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

Tại Hàn Quốc, từ ngày 19/5/2015 xác nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm Mers – CoV, đến ngày 22/6/2015 đã ghi nhận 172 trường hợp mắc (27 trường hợp tử vong). Chính phủ Hàn Quốc đã cho đóng cửa 2000 trường học, cách ly, giám sát chặt chẽ gần 6000 người. Các chuyên gia đánh giá số ca mắc Mers – CoV tại Hàn Quốc có xu hướng chậm lại.

Ngày 18/6/2015, Thái Lan ghi nhận ca dịch Mers – CoV xâm nhập đầu tiên.

Tại Việt Nam, tới ngày 22/6/2015 chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Mers – CoV, tuy nhiên khả năng dịch xâm nhập là có thể xảy ra.

Chủ động phòng chống dịch...

Tại buổi họp báo, TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo: “ Hiện nay trên thế giới chưa có vac xin điều trị dịch Mers – CoV,  nên nếu không có việc gì cần thiết thì người dân không nên đi đến các nước có vùng dịch bệnh; Ngoài ra Hà Nội cũng đã chuẩn bị mọi phương án, tuyên truyền, phòng chống, có phác đồ điều trị khi có dịch xảy ra”.

Trước đó ngày 04/6/2015, Chủ tịch UBND TP đã có công điện số 04/CĐ – UBND, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các sở ban ngành tăng cường công tác phòng chống dịch Mers – CoV.

Ngày 05/6/2015, Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do Corona vi rút (Mers – CoV) với 3 tình huống: (1) Chưa có ca mắc; (2) xuất hiện ca mắc đầu tiên; (3) dịch lây lan trong cộng đồng. Mỗi tình huống có biện pháp đáp ứng phòng chống dịch phù hợp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch của ngành Y tế Hà Nội tổ chức họp hàng tuần để đánh giá nhận định tình hình dịch, khả năng xâm nhập và triển khai các giải pháp sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xâm nhập; chỉ đạo các đơn vị báo cáo tình hình hàng ngày về dịch bệnh; kịp thời tham mưu cho thành phố các biện pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã triệu tập các lãnh đạo Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã họp bàn về các giải pháp phòng chống dịch.

Công tác tuyên truyền: Biên soạn, in ấn, cấp phát 16.000 tờ rơi, 1.600 poster, 320 Pano bằng nhiều thứ tiếng ( Việt, Anh, Hàn Quốc) tuyên truyền tại các cửa khẩu; Bố trí đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tư vấn các biện pháp phòng chông dịch; khuyến cáo người dân khi đi từ các vùng dịch về cần chủ động khai báo với ngành Y tế, để kiểm soát dịch bệnh; thông tin kịp thời cho các cơ quan báo, đài về tình hình dịch bệnh, và các biện pháp phòng chống Mers – CoV.

Tổ chức các lớp tập huấn xử lý và cấp cứu điều trị khi có dịch bệnh xảy ra; Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phòng chống dịch Mers – CoV xâm nhập, bố trí 02 máy đo thân nhiệt phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu ghi ngờ mắc Mers – CoV (03 máy dự phòng); giám sát 1.230 chuyến bay với 159. 925 hành khách đến từ các nước có dịch.

Xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch; bố trí các bệnh viện để điều trị khi có dịch bệnh xâm nhập như: Bệnh viện Bắc Thang Long, bệnh viện Nhiệt đới TW, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số mắc tăng cao, tất cả các bệnh viện đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân, triển khai phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết...

Nguyễn Kiên