Cho đến lúc này, dù vẫn tích cực đàm phán nhưng VTV vẫn chưa thể biết đến lúc nào mới có thể sở hữu bản quyền World Cup.
VTV cho biết, đến lúc nào có kết quả sẽ có thông cáo báo chí sau. Vậy khúc mắc lớn nhất trong việc đàm phán là gì?
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập VTV cho hay: “Đó là giá cả và các điều kiện về bản quyền”.
Ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng Ban thư ký biên tập VTV
Trở lại với diễn biến xung quanh câu chuyện bản quyền World Cup 2018 được dư luận quan tâm, tính tới lúc này, khi chỉ còn hơn nửa tháng nữa là ngày hội bóng đá thế giới diễn ra tại Nga, Việt Nam là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa có bản quyền.
Lý do nằm ở số tiền “khủng”, lên tới 15 triệu USD (khoảng 340 tỷ đồng) mà đối tác Infront Sports & Media chào hàng, trong khi VTV chỉ muốn chi tối đa khoảng 10 triệu USD.
Con số 10 triệu USD thực tế cũng là quá lớn nếu biết rằng năm 2006, FPT mua được bản quyền World Cup tại Việt Nam với giá 2 triệu USD. World Cup 2010, VTV mua lại bản quyền từ Công ty Dentsu (Nhật Bản) với giá 2,7 triệu USD. Năm 2014, VTV chấp nhận chi 7 triệu USD để có bản quyền World Cup qua đối tác MP&Silva.
Một điểm cần lưu ý là theo khuyến nghị của FIFA, các đài quốc gia nên chia sẻ bản quyền trên hệ thống kênh quảng bá để phục vụ toàn dân, thay vì độc quyền đối với các giải bóng đá hàng đầu châu Âu và thế giới như Premier League, La Liga…
Điều này cũng gây “khó dễ” cho VTV trong trường hợp vừa muốn phát sóng World Cup trên kênh quảng bá VTV3, VTV6 như thông lệ, vừa muốn chia sẻ độc quyền những trận “hot” cho các đơn vị truyền hình trả tiền là “tập con” của mình như VTVcab, SCTV, đặc biệt là K+.
Bảo Ngọc T/h