Nghệ An: Nhiều hộ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV nhỏ lẻ gây khó phát hiện và xử lý - Hình 1

           Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng QLTT gia tăng kiểm tra mặt hàng phân bón (Ảnh: TH)

Theo đó, các cơ sở này chưa tìm hiểu, cập nhật kịp thời các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình; nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, theo mùa vụ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Bên cạnh đó, việc lấy mẫu giám định để có cơ sở đánh giá chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc xử lý vi phạm.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, ở khu vực Bắc Trung Bộ, cơ cấu kinh tế có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn nên nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12 công ty sản xuất phân bón vô cơ và 854 tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón trên địa bàn; có 545 tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trong đó mới chỉ có 246 cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, 349 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND,  ngày 17/1/2018 phòng chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; chỉ đạo các ngành, các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nâng cao nhận thức trách nhiệm và tầm quan trọng đối với công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện và phân công cán bộ chủ chốt trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra.

Các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra đối với 13 cơ sở kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý 4 vụ vi phạm (các hành vi vi phạm chủ yếu không thông báo mở địa điểm kinh doanh, kinh doanh Thuốc BVTV quá hạn sử dụng, hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam).

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các các đơn vị thành viên, nhất là các đơn vị thành viên được giao quản lý về lĩnh vực vật tư nông nghiệp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy nông nghiệp trong tỉnh phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng.

 Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực. Quá trình triển khai thực hiện trong quý I, trên địa bàn tỉnh, chưa phát hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay việc lấy mẫu, gửi mẫu đi kiểm định còn gặp khó khăn do các trung tâm kiểm định chất lượng ở xa. Do đó, kiến nghị thành lập thêm trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (QUATEST) khu vực Bắc miền Trung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế.

 T. Lan