Ký cam kết với Công ty TNHH Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Thế giới CAD CAM (Công ty SUBARU Việt Nam), nộp trước 50 triệu đồng để làm thủ tục viza xuất cảnh làm việc tại Nhật Bản, trong thời gian từ 3 - 6 tháng sẽ được xuất cảnh; tuy nhiên, theo phản ánh của anh Lê Bá T ở Vũ Thư (Thái Bình), dù đã thực hiện đầy đủ cam kết trong HĐ, nhưng đã 8 tháng trôi qua (từ 21/5/2013), thủ tục xuất cảnh vẫn chưa được nhận và công ty có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Trụ sở Công ty SUBARU Việt Nam luôn đóng cửa
Trong đơn tố cáo của anh Nguyễn Trọng N ở xã Thanh Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam), Ngô Đức S xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình), Lê Bá T xã Khai Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) gửi đến Tòa sạn ghi rõ:
Ngày 25/1/2013, chúng tôi đã ký cam kết với Công ty TNHH Đào tạo và Chuyển giao công nghệ thế giới CAD CAM (nay là Công ty CP Công nghệ SUBARU Việt Nam) trụ sở tại thôn Văn Trì, xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội), mã số DN: 0106014179, do ông Vũ Nam Giang làm GĐ.
Nội dung Bản cam kết ghi rõ: Bên A là Công ty SUBARU Việt Nam nhận số tiền 50 triệu đồng và hồ sơ, giấy tờ để làm thủ tục Viza xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. Trong thời gian từ 3 - 6 tháng sẽ hoàn thành thủ tục và hồ sơ cho lao động xuất cảnh, trong trường hợp lao động không được cấp viza, Công ty SUBARU Việt Nam sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cùng hồ sơ đã nhận của người lao động. Tuy nhiên, từ khi ký cam kết với công ty (21/5/2013) đến nay (7/1/2014) đã quá thời hạn 6 tháng nhưng công ty vẫn chưa hoàn thành thủ tục để chúng tôi xuất cảnh. Trước sự việc trên, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty SUBARU Việt Nam làm tròn trách nhiệm của mình theo cam kết. Tuy nhiên, DN này mới hoàn trả lại cho tôi 18 triệu đồng, 30 triệu đồng còn lại, ông Vũ Nam Giang, GĐ công ty luôn viện mọi lý do, kéo dài thời gian và không hoàn trả nốt số tiền cùng hồ sơ cho chúng tôi.
Bức xúc, anh Lê Bá T cho biết: “Chúng tôi đã nộp tiền, đồng thời thực hiện đúng những điều khoản trong bản cam kết đã ký. Song đến nay đã quá thời hạn 6 tháng, nhưng công ty này không thực hiện theo đúng cam kết, thủ tục xuất cảnh chúng tôi chưa nhận được, tiền thì họ chỉ trả lại 18 triệu đồng và luôn tìm mọi lý do để kéo dài thời gian… Chúng tôi xuất thân từ nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng mong được đi xuất khẩu lao động để cải thiện đời sống, tuy nhiên cách làm việc của Công ty SUBARU Việt Nam rõ ràng là có dấu hiệu “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc để bóc trần hành vi lừa đảo của DN này, đồng thời trả lại quyền lợi cho những lao động nghèo như chúng tôi…”, anh T lên tiếng.
Khi tiếp nhận đơn thư gửi về Tòa soạn, ngày 6/1, phóng viên đã đến trụ sở Công ty TNHH Đào tạo và Chuyển giao công nghệ thế giới CAD CAM để xác minh làm rõ vụ việc. Nhưng công ty này đã đổi tên thành Công SUBARU Việt Nam và luôn trong tình trạng “đóng cửa cài then”, số điện thoại di động cùng máy bàn không thể liên lạc được?
Trụ sở Công ty SUBARU Việt Nam là tòa nhà 5 tầng, ngoài tầng 1 là trụ sở hoạt động thì từ tầng 2 đến tầng 5 được treo la liệt những quần áo, giầy dép của hàng chục lao động đang ăn ở tại đây để chờ xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản.
Trước những sự việc bất thường trên, thiết nghĩ lãnh đạo xã Minh Khai, UBND huyện Từ Liêm cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. (Vì một số lý do tế nhị, tòa soạn xin giấu tên của những người cung cấp thông tin).
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên!
Tuấn Ngọc – Xuân Hồng