“Lễ hội kỷ cương – văn minh du lịch”
Ngày 8/2 (tức ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi), trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều hình ảnh chia sẻ của cộng đồng mạng về tình trạng đông đúc, quá tải ở hầu hết các khu vực chùa Hương như suối Yến, chờ cáp treo, nơi thờ cúng… Dù vậy, Ban tổ chức cũng chưa ghi nhận những trường hợp mất an toàn trật tự tại đây.
Bà Nguyễn Thị Yến (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, gia đình tranh thủ ngày chưa khai hội để đi du xuân, vãn cảnh chùa cho bớt đông đúc, nhưng không ngờ khi tới nơi đã có cả nghìn người cũng đi lễ Phật như gia đình bà.
Các ngả đường khu vực chùa Hương đều chật cứng người
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên Mỹ Đức tổ chức lễ hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội chùa Hương năm 2019 với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch", huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức lễ hội, đặc biệt, huyện xác định lễ hội năm 2019 phải bảo đảm "an toàn, văn minh, lịch sự đạt hiệu quả cao". Không tăng giá vé như giá vé tham quan là 80.000 đồng/người, vé đi đò là 50.000 đồng/người.
Theo ông Hoạt, để đảm bảo an toàn cho mùa lễ hội, huyện Mỹ Đức đã tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền đến với người dân, thực hiện quy định pháp luật về an toàn đường thủy... Có khoảng 4.000 đò hoạt động trên suối Yến để phục du khách và được bố trí phao, giỏ đựng rác…
Về dịch vụ, Ban tổ chức lễ hội không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích.
Đồng thời, cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Các chủ hộ trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, có tủ bảo quan thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; không được dùng loa, đài để quảng cáo bán, hàng, tổ chức các điểm cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng.
“Ban tổ chức cũng hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của Di tích. Bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, hợp lý theo quy định của Bộ VHTTDL”, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoạt, Công an huyện Mỹ Đức cũng đã có phương án bảo vệ lễ hội như phân luồng giao thông những ngày đông khác, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo giao thông thuận tiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây thương tích, ép giá, ép khách, tranh giành khác, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách…Tổ chức tốt dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy, không được gây phiền hà cho chủ phương tiện.
Không tổ chức cướp giò hoa tre tại lễ hội Đền Sóc
Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn) năm 2019 được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 10-12.02.2019 (tức ngày mùng 6-8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại khu du lịch – Di tích đền Sóc Sơn. Lễ hội được khai hội vào lúc 7h ngày 10.2 và kết thúc vào 16h30 ngày 12.2.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Lễ hội năm nay có đổi mới trong các nghi thức lễ rước giò hoa tre và trầu cau. “Cụ thể, lễ hội sẽ không tổ chức việc tán lộc và cướp lộc vị trí dưới đền hạ để tránh hành động bạo lực, phản cảm. Những việc này sẽ được ban tổ chức chia nhỏ và tổ chức phát lộc trong thời điểm phù hợp.
Công an huyện Sóc Sơn cũng được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đảm bảo an ninh trật tự trong ngày diễn ra lễ hội, có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Việt Linh và trầu cau thôn Đan Tảo theo đúng nghi thức, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng” – ông Mạnh nói.
Để thực hiện, các cấp lãnh đạo huyện, xã, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp với người dân để tuyên truyền, giải thích sao cho việc tổ chức lễ hội được an toàn, vừa giữ gìn nét văn hoá truyền thống địa phương, vừa đảm bảo an toàn, văn minh, tránh bạo lực.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng đã có các phương án tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, giá vé đúng quy định, không để tổ chức, cá nhân bắt chẹt du khách. Trong 3 ngày hội tuyệt đối không trông giữ phương tiện tại khuôn viên của di tích.
Ban tổ chức nghiêm cấm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trò chơi mang tính bạo lực, trò chơi mang hình thức cờ bạc, ăn tiền, sách mê tín dị đoan. Hàng ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, không bố trí hàng quán trong khu vực I của di tích.
Công tác vệ sinh môi trường sẽ được đảm bảo để khu vực lễ hội sạch. Không để xả rác bừa bãi, đặt thùng rác lưu động, lắp thêm nhà vệ sinh công cộng, bố trí lực lượng thu gom rác và vận chuyển rác trong ngày, không để tồn đọng rác.
Đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc trên các tuyến đường, có phương án phòng chống cướp giật trên núi đảm bảo an toàn cho du khách về dự lễ hội.
Trúc Mai