Chốt 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Theo dự thảo Nghị quyết trình bày tại kỳ họp, mục tiêu chung năm 2021 của thành phố Hà Nội là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã nội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật...
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành nội dung thảo luận về Nghị quyết kinh tế - xã hội
Dự thảo Nghị quyết cũng thống nhất với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...
Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; triển khai thực hiện tốt 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn thấp
Báo cáo thẩm tra chung của các ban HĐND Thành phố đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới và Việt Nam, thành phố Hà Nội đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi, nhiều khó khăn và thách thức ngoài dự báo. Mặc dù vậy, chính quyền Thành phố đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, được sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Thành ủy, sự vào cuộc sát sao của HĐND Thành phố cùng với sự điều hành nhanh nhạy, quyết liệt của UBND Thành phố để thực thi nhiệm vụ kép: Vừa phải tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của đại dịch, vừa phải triển khai các giải pháp ổn định thị trường cung cầu hàng hóa, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương của kinh tế trong suốt 04 quý của năm so với cùng kỳ năm trước và mức tăng trưởng GRDP cả năm cao gấp 1,5 lần của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn vượt dự toán, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục duy trì tốc độ tăng. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng và triển khai quyết liệt, trọng tâm hướng tới phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh duy trì vị trí 9/63 tỉnh, thành phố. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn được chú trọng chỉ đạo. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Công tác đối ngoại, hợp tác các tỉnh, địa phương trong nước tiếp tục được quan tâm, mở rộng và đạt nhiều kết quả nổi bật...
Tuy nhiên, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm cả ở cấp Thành phố và cấp quận, huyện. Mặc dù được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, nhưng đến nay kết quả giải ngân chưa cao (tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản qua Kho bạc nhà nước Thành phố đến thời điểm 30/11/2020 mới đạt 53,2% kế hoạch năm, trong đó, giải ngân kế hoạch thuộc ngân sách cấp Thành phố đạt 46,3% và thuộc ngân sách cấp huyện đạt 57,9%). Công tác thống kê, theo dõi, quản lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất còn hạn chế; nhiều dự án vi phạm Luật đất đai đã được rà soát, đề xuất xử lý nhưng trên thực tế chưa có chuyển biến rõ rệt, có nơi vẫn còn tình trạng sử đụng đất sai mục đích, tình trạng chưa đưa đất vào sử dụng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân...
Các ban của HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố làm rõ hơn cơ sở tính toán để đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5% trong năm 2021; dự báo xu hướng diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 để từ đó có các biện pháp chủ động sẵn sàng ứng phó phù hợp cũng như chuẩn bị cho quá trình phục hồi của từng ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp quốc tế đến Thủ đô; khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới...
Có chỉ tiêu để “Chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (tổ đại biểu Tây Hồ) đề nghị UBND Thành phố tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND Thành phố tiếp tục sâu sát với các quận, huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp cho quận, huyện, nhất là việc mua sắm tập trung để xem xét và tháo gỡ những vấn đề bất cập trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) kiến nghị Thành phố cần tiếp tục sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong chính sách tiếp cận. Đánh giá cao việc Hà Nội chọn cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để “chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện; thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh; có các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệm tham vấn, thẩm định đối với việc ban hành chính sách mới...
Đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ Phú Xuyên) nhận định, trong năm 2020, không ai còn nghi ngờ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của ngành. Năm 2021, để Thủ đô trở nên “xanh, sạch, đẹp và đáng sống”, bên cạnh phát triển đô thị, Thành phố cần tiếp tục quan tâm đến khu vực nông thôn; phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, bền vững... Đại biểu Phạm Hải Hoa cho rằng, Thành phố cần kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa Luật Đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn; bên cạnh đó có chính sách, “đòn bẩy” để phát triển khởi nghiệp trong nông nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia sản xuất nông nghiệp.
Kết thúc nội dung này, các đại biểu HĐND Thành phố đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội, với 91/91 đạt biểu có mặt tán thành.
PV