(THCL) _ Căn cứ chủ trương của Bộ Công Thương, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội về bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường các tháng cuối năm, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 4612/KH-SCT về việc bảo đảm cung cấp hàng hóa, bình ổn giá thị trường Hà Nội cuối năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015.

Dự trữ hàng hóa

Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đó, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Để tránh tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường, hạn chế thấp nhất những biến động lớn về giá cả, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp, các DN tập trung triển khai việc dự trữ hàng hóa.

Bên cạnh các DN trực tiếp sản xuất là sự vào cuộc của các DN tham gia chương trình bình ổn giá, qua đó tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra 7 nhóm hàng thiết yếu: gạo, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ quả với tổng giá trị lên đến 276,75 tỷ đồng.

Cùng với đó, từ nguồn vốn tự có, các DN chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ, DN cần chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng như bánh kẹo, bia rượu, mỳ chính… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Người tiêu dùng sẽ rất thuận lợi khi mua sắm các mặt hàng thiết yếu, bởi cùng với 600 điểm bán hàng bình ổn giá có treo biển nhận diện theo mẫu quy định của thành phố, còn có khoảng 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, các DN cố gắng bảo đảm giá bán ổn định, đã được Sở Tài chính chấp thuận”.

Thành phố cũng sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến hàng lưu động, tổ chức nhiều trung tâm bán hàng phục vụ các vùng ngoại thành và các xã miền núi.

Bảo đảm nhu cầu

Những tháng trước Tết, các hoạt động gian lận thương mại không ngừng gia tăng. Vì vậy, để công tác quản lý thị trường được tốt, mặt khác, nhằm ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng…, Sở Công Thương đã lên phương án chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn, giúp đỡ các DN sản xuất, chế biến, phân phối hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào mặt hàng thịt lợn, gia cầm, trứng gia cầm, rau an toàn.

Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra đăng ký giá, niêm yết giá đối với các DN kinh doanh thương mại; kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị lực lượng hàng hóa của các DN, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…

Bà Lan cho biết: “Sở Công Thương đã chỉ đạo các bộ phận quản lý thương mại theo dõi sát diễn biến cung cầu, dịch vụ, hàng hóa trên địa bàn, báo cáo kịp thời lãnh đạo Sở để có biện pháp cụ thể bảo đảm đủ lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. Sở đã chỉ đạo các đơn vị được UBND TP. Hà Nội ứng vốn tăng cường công tác dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng và mạng lưới bán hàng bình ổn...”.

Để kế hoạch Tết Nguyên đán Ất Mùi được thực hiện hiệu quả, Sở Công Thương đã sớm tổ chức, triển khai kế hoạch đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các DN, siêu thị, trung tâm thương mại, hợp tác xã, ban quản lý, DN quản lý các chợ trên địa bàn thành phố… để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô trong dịp Tết.

Duy Thế - Thiên Đức