Là một trong 35 học viên tham gia lớp truyền nghề mộc dân dụng tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh) do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) phối hợp với xã Dục Tú và Công ty TNHH Thương mại xuất khẩu gỗ mỹ nghệ Hựu Hân tổ chức, chị Nguyễn Thị Phương hào hứng chia sẻ: "Tuy là con gái nhưng em rất muốn được học hỏi để hiểu biết thêm về nghề mộc, vừa giúp được gia đình lại có thêm thu nhập để học đại học. Hơn nữa, nếu chăm chỉ học tập để có tay nghề tốt, nghề mộc còn cho thu nhập khá cao, có thể lên tới vài chục triệu đồng/tháng”.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, cũng như sự phát triển chung của cả xã hội, đòi hỏi các sản phẩm làng nghề ngày càng phải đa dạng về mẫu mã, các sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường. Vì vậy, các làng nghề đang rất cần một nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có tay nghề tinh xảo, có ý tưởng sáng tạo thẩm mỹ cho những sản phẩm làng nghề truyền thống để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hà Nội: Đẩy mạnh công tác đào tạo để phát triển và bảo tồn làng nghề - Hình 1 Sản xuất hàng cỏ tế tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên)

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, trình độ lao động tại các làng nghề chưa cao, chủ yếu là lao động thời vụ. Do không được đào tạo cơ bản, nên ý thức lao động, kỷ luật, năng suất lao động thấp; chưa có tư duy, sáng tạo trong sản xuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các nghề chính được trung tâm nhân cấy là mộc dân dụng, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ… 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, thời gian qua, hiệu quả mang lại từ công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động vùng ngoại ô thành phố, đặc biệt là tại các khu vực có đất bị thu hồi cho phát triển công nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ổn định an ninh chính trị tại địa phương, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề phát triển, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hiệp hội ngành nghề tổ chức 40 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 học viên tại 40 thôn, xã, nhằm phát huy thế mạnh của các làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng cho những lao động thường xuyên tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm làng nghề.

Với việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nâng cao tay nghề, đào tạo các lớp thợ giỏi, tới đây nguồn lực lao động kỹ thuật tại các làng nghề sẽ được tăng cường, góp phần quan trọng giúp các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hằng Vương (t/h)