Liên tục gia hạn cho dự án chậm tiến độ?

Như THCL đã có loạt bài phản ánh về những bất cập  trong việc cấp phép dự án Khu Bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- đảo Soi Sim. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và để chủ đầu tư xây dựng một công trình khủng, với khối sắt, bê tông hóa đè nặng lên hòn đảo nhỏ chưa đầy 8,7ha? Trong khi đảo Soi Sim được biết đến là 1 khu rừng nguyên sinh có cấu tạo địa chất đặc biệt với 2/3 diện tích bao phủ bởi feralit và đất phong hóa, cùng nhiều loại động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại cây đặc hữu có giá trị, đặc trưng của hệ sinh thái Vịnh Hạ Long.

Xây dựng Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long: bài 4- Chủ đầu tư 'Bình mới, rượu cũ' - Hình 1

Khối sắt khủng được chủ đầu tư cất công chuyển từ đất liền ra đảo

Theo tài liệu của PV Thương hiệu Công luận, chủ trương phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu Bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long đã được phê duyệt từ năm 2010. Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim, Vịnh Hạ Long. Qua các Quyết định trên, tỉnh Quảng Ninh đã giao dự án này cho công ty Cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long đầu tư triển khai. Theo giấy chứng nhận đầu tư do ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh ký ngày 07/09/2013, chủ đầu tư (CĐT) phải thực hiện dự án theo đúng tiến độ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 3/2015.

Tuy nhiên, tại biên bản họp về việc tiến độ triển khai thực hiện Dự án Khu bảo tồn động, thực vật đảo Soi Sim, Vịnh Hạ Long đã chỉ rõ là dự án này đang chậm tiến độ, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh gia hạn dự án. Tại biên bản này cũng thể hiện rằng các cơ sở hạ tầng mà công ty cổ phần du lịch Vịnh Hạ Long đã triển khai còn nhiều tồn tại, yếu kém. Cụ thể, văn bản nêu rõ: “hiện nay, cơ sở hạ tầng dịch vụ tại khu vực dự án còn yếu kém, chưa được triển khai xây dựng đồng bộ gây ảnh hưởng xấu về môi trường phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng”.

Xây dựng Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long: bài 4- Chủ đầu tư 'Bình mới, rượu cũ' - Hình 2

Vật liệu xây dựng thi công nằm ngổn ngang, phá hủy hệ sinh thái di sản

“Luật Đất đai năm 2003 có quy định rõ, việc xử lý đối với trường hợp đất dự án được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong vòng 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng dự án chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất. Người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được nhận lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án đã nộp và thanh toán giá trị dự án đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất...

Bên cạnh đó, nếu chiếu theo Luật, dự án năm 2013 thì các dự án chậm tiến độ sẽ được xin gia hạn thêm 24 tháng. Nếu trong 24 tháng xin gia hạn mà, doanh nghiệp vẫn không triển khai dự án, cũng không tự thanh lý được tài sản thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi dự án, doanh nghiệp không được nhận bồi thường thiệt hại hay bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Trải qua một thời gian dài dự án dậm chân tại chỗ, ngày 14/7/2015, Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lại đặt bút ký văn bản số 4130 về việc gia hạn tiến độ thực hiện Dự án Khu bảo tồn động thực vật trên đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long với chỉ đạo yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ thiết kế sửa chữa bến tàu số 1 và số 2 trên đảo xong trước ngày 15/7/2015, thực hiện đầu tư trước ngày 15/7/2015. Cùng với đó là hàng loạt các mốc thời gian phải hoàn thành các hạng mục công trình trên đảo trong năm 2016.

Tuy nhiên, thay vì lựa chọn đơn vị mới có năng lực thực sự thì, các sở ban ngành của tỉnh Quảng Ninh lại đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục gia hạn cho dự án?!

Trước việc một dự án chậm tiến độ quá lâu, và CĐT hoàn toàn yếu kém trong mọi khâu thực hiện dự án nhưng tại sao UBND tỉnh Quảng Ninh lại năm lần bảy lượt ưu ái, và trực tiếp là ông Nguyễn Đức Long- Chủ tịch tỉnh lại ký tiếp tục giao dự án quan trọng này cho một CĐT yếu kém như vậy? Dư luận đặt dấu hỏi liệu quy trình thẩm định dự án và năng lực nhà đầu tư ở đây đang có vấn đề? Có hay không sự ưu ái thái quá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dành cho CĐT dự án chậm tiến độ này?

Chủ đầu tư mới “lột xác” và chiêu “Bình mới, rượu cũ”?

Chưa dừng lại ở đó việc tiếp tục gia hạn giao dự án cho CĐT yếu kém, ngày 5/1/2016, Công ty cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long đã có đơn đề nghị chuyển nhượng dự án trên cho công ty là Công ty TNHH 1 TV Soi Sim.

Xây dựng Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long: bài 4- Chủ đầu tư 'Bình mới, rượu cũ' - Hình 3

Cầu thang  bê tông xẻ ngang núi

Theo tìm hiểu của PV, tại văn bản số 237 của UBND Thành phố Hạ Long do ông Phạm Hồng Hà – Chủ tịch Thành phố Hạ Long ký ngày 14/1/2016, thì Công ty TNHH 1 TV Soi Sim là công ty con của Công ty cổ phần dịch vụ Hạ Long?! Văn bản này nêu rõ: “Công ty CP dịch vụ Vịnh Hạ Long đã thành lập một công ty con là Công ty TNHH 1 TV Soi Sim vào tháng 7/2015, đầu tư cho công ty Soi Sim nguồn vốn là 15 tỷ đồng...”. Cũng tại văn bản này, UBND thành phố Hạ Long cũng thể hiện rõ quan điểm nhất trí về mặt chủ trương chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH 1 TV Soi Sim với lý do tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án?!

Một công ty mẹ thực hiện dự án chậm tiến độ gần 6 năm chưa xong, thậm chí chủ tịch UBND tỉnh đã phải ký văn bản gia hạn, vậy mà UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long lại tiếp tục đồng ý cho công ty đó “đẻ” ra một công ty con, để tiếp tục giao dự án tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho một công ty mới tinh vừa “ra đời”, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm thi công dự án, lại ra đời trên nền tảng một công ty quá yếu kém, để dự án trì trệ kéo dài bao nhiêu năm trời. Dư luận thực sự bức xúc, không hiểu khâu thẩm định năng lực chủ đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long đang có vấn đề gì? Có hay không sự chỉ định nhà đầu tư, và tại sao Quảng Ninh lại bắt buộc năm lần bảy lượt phải giao bằng được dự án cho công ty cổ phần dịch vụ Hạ Long? Và với số vốn 15 tỷ công ty mẹ chuyển giao để thi công dự án thì dấu hỏi về tiềm lực kinh tế và năng lực thi công của CĐT mới này đang ở điểm nào?

Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không câu chuyện “ưu ái đặc biệt” của tỉnh Quảng Ninh dành cho chủ đầu tư này? Liệu rằng một công ty mẹ đã tỏ rõ năng lực yếu kém, giờ thành lập công ty con để thực hiện dự án này có đủ năng lực?

Vậy, tại sao khi năng lực chủ đầu tư yếu kém, dự án bị chậm tiến độ gây ảnh hưởng tới môi trường du lịch của Di sản thiên nhiên Thế giới, tỉnh Quảng Ninh không thu hồi dự án và đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực?.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long chuyển nhượng lại dự án cho Công ty TNHH 1TV Soi Sim mà theo tìm hiểu, công ty này là công ty con của Công ty Cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long?! Như vậy đã  rõ câu chuyện “bình mới, rượu cũ” trong dự án này? Có lẽ, câu hỏi này xin được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước là chính quyền tỉnh Quảng Ninh...?

Nhóm Phóng Viên