Công trình tàn phá môi trường vùng lõi Vịnh Hạ Long? - Hình 1

Theo tìm hiểu của PV, tại quyết định (QĐ) số 1139 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 do ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh ký ngày 27/4/2015 đã quy hoạch khu vực đầu tư khai thác trong đó có đảo Soi Sim với diện tích 8,5ha.

Theo QĐ này, khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long sẽ được hình thành tại đảo Soi Sim với mục đích khoanh vùng các giá trị đa dạng sinh học để bảo tồn và nhân rộng (Thành lập dự án theo chuyên ngành bảo tồn giá trị đa dạng sinh học).

Về quy hoạch, đảo này sẽ hình thành một khu bảo tồn động thực vật để quảng bá giá trị đa dạng sinh học và giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; gồm các khu chức năng chính, cụ thể: Khu 1: Khu đón tiếp nằm ở phía Nam đảo bao gồm: cầu tầu, khu dịch vụ, bãi tắm, nhà ẩm thực ba miền, sàn nhẩy trên bãi biển. Khu 2: Khu trung tâm nằm ở khu vực Yên Ngựa. Xây dựng Trung tâm triển lãm giới thiệu đa dạng sinh học tại Hạ Long. Khu 3: Bảo tồn động thực vật, với các khu vực: Khu thả thú tự nhiên, khu vực dạy trẻ em về động vật, khu chăm sóc thú, sàn ngắm cảnh, điểm chòi nghỉ, khu dịch vụ. Khu vườn chim - hoa - bướm nằm ở phía Tây đảo, Khu vườn bướm, khu vườn chim, khu trồng thực vật đặc hữu, khu chăm sóc thú, sàn ngắm cảnh, điểm chòi nghỉ, khu dịch vụ. Các tuyến tham quan, cảnh quan nền và mặt nước.

Đặc biệt, văn bản này cũng nhấn mạnh phần hình thức kiến trúc khi thực hiện dự án là phải sử dụng các công trình kiến trúc với kiến trúc mô phỏng tự nhiên: gỗ, tre, mây, nứa, bê tông phun giả gỗ… Đường thăm quan và các sàn ngắm cảnh được sử dụng bằng các vật liệu tre, gỗ, nứa, gạch lát giả gỗ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, các công trình ngoài đảo đã dần hình thành. Trên đảo đã có cầu cảng, các công trình phục vụ nghỉ ngơi là nhà 3 tầng mà theo quy định các công trình nhà tạm để được đảm bảo an toàn chỉ có chiều cao tối đa là 2m?!

Đặc biệt, trên đảo đơn vị thi công đã xẻ đôi núi đá làm bậc thang tạo thành một con đường dài lên trên đỉnh. Không chỉ dừng lại ở đó, trên đỉnh núi đã xuất hiện một số công trình bằng sắt trên đỉnh núi...

Như vậy, có thể thấy, các vật liệu xây dựng để phục vụ dự án này đang đi ngược những quy định trong QĐ 1139 mà UBND tỉnh Quảng Ninh đề ra. Đồng thời những hành động này đang gây ra sự tàn phá kinh khủng với môi trường Vịnh Hạ Long!?

Ở một diễn biến khác, tại QĐ số 4216 về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản Vịnh Hạ của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện nghiêm ngặt điều này.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 6 QĐ 4216, Đối với khu vực di sản thiên nhiên thế giới (Khu vực bảo vệ tuyệt đối) thì phải được bảo tồn toàn diện, tổng thể, nguyên trạng giá trị của di sản thế giới, bao gồm: Các yếu tố cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, có tác động của con người với quy mô phù hợp, khai thác hợp lý về giá trị nhằm bảo tồn các đặc điểm và ý nghĩa của di sản thế giới được thể hiện một cách đầy đủ các tính chất nổi trội của di sản; hạn chế được những tác động tiêu cực của sự phát triển; tuyệt đối không được làm thay đổi cảnh quan, địa chất, địa mạo, môi trường, hệ sinh thái... hạn chế tới mức thấp nhất tác động của con người đối với Di sản;

Cùng với đó, Quyết định này cũng nêu rõ, khu vực di sản thế giới được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định tại Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Khu vực di sản thế giới được quy hoạch chi tiết thành các khu bảo tồn tuyệt đối, khu bảo tồn sinh thái.

Liên quan tới vấn đề trên, PV THCL đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này, tuy nhiên, các lý do mà lãnh đạo tỉnh đưa ra chưa thỏa đáng, khu bảo tồn có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời!

Được biết, Vịnh Hạ Long luôn bị UNESCO nhiều lần  khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động, của các hoạt động du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường, sẽ đe dọa đến các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Hàng loạt các hoạt động san đồi, lấn biển ở vùng đệm đã làm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long hẹp đi, gây “sức ép” cũng như sự tàn phá vô cùng khủng khiếp lên vùng di sản. Thế nhưng, một dự án công trình đang làm tan hoang vùng lõi di sản vì sao lại được cấp phép phê duyệt? Và quy trình thẩm định, cấp phép đó có đúng quy trình hay không?

 Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông đến bạn đọc.

Nhóm PV