Ảnh minh họa
Dù liên tục kiểm tra, bắt giữ nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó xé lẻ đưa vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ.
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn. Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Từ nay đến những tháng cuối năm và Tết Tân Sửu, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cụ thể, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch COVID-19; các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu 2021.
Lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn.
Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...
Những tháng cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng.
Bảo Lâm