Hà Nội: Khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mỹ Đức - Hình 1

Người dân phải di chuyển bằng xuồng, đò

Xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) là một trong 3 địa phương của huyện Mỹ Đức bị ngập úng nặng. Toàn xã hiện có 739 hộ dân còn ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt, người dân chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Một số hộ dân có nhà cửa thấp trũng, đã được di dời đến những nơi cao hơn.

Thăm hỏi tình hình sinh hoạt của các hộ dân, Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương tinh thần tương thân tương ái của bà con, đồng thời, mong muốn bà con nỗ lực, vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.

Hà Nội: Khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mỹ Đức - Hình 2

Phó bí thư Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng trao quà cho bà con huyện Mỹ Đức

Tại trụ sở UBND xã Hợp Thanh, Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao tặng những phần quà đến người dân các xã huyện Mỹ Đức bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gồm 400 thùng mỳ tôm, 60 bồn đựng nước, 400 thùng nước sạch, 100 thùng gia vị, tổng trị giá 195 triệu đồng.

Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Đặng Văn Triều cho biết: Từ ngày 11/10, do mưa lớn với lượng nước trung bình 446mm, cộng với nước từ các huyện Chương Mỹ dồn về, từ Hòa Bình đổ sang, đã làm hơn 2.400ha cây ra màu, cây vụ đông của huyện bị ngập sâu trong nước; hơn 2.800ha thủy sản bị mất trắng, đặc biệt, 4.399 hộ dân (chiếm 10% tổng số hộ dân của huyện) tại 3 xã An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến đã bị ngập sâu trong nước. Huyện đã kịp thời hỗ trợ trên 3.000 thùng mỳ tôm; hơn 3.700 thùng nước sạch, nến và thuốc cho các hộ dân của 3 xã nói trên.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện Mỹ Đức, các xã trong vùng ngập lụt, Phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Mỹ Đức cần tiếp tục tập trung thực hiện việc quan tâm hỗ trợ người dân vùng ngập úng, nhất là với bà con vùng ngập nặng, đảm bảo đầy đủ các nhu yếu phẩm cho bà con. Công việc trước mắt, chính quyền huyện, xã và người dân dồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai.

Phó bí thư chỉ đạo: “Huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để chống úng ngập. Không chủ quan trước diễn biến bất thường của thời tiết, khoảng 10-15 ngày nữa, nước tại các xã bị ngập mới rút hết, do đó, cần phải tiếp tục chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân.

Cùng với đó, huyện Mỹ Đức cần có phương án chủ động để tiêu úng khi nước rút, sớm ổn định đời sống cho người dân; nước rút đến đâu thì đảm bảo vệ sinh môi trường đến đó, không để phát sinh dịch bệnh. Huyện cũng cần phát huy phương châm "4 tại chỗ"; ứng trực lực lượng tại các điểm đê xung yếu để có phương án xử lý kịp thời, nếu có sự cố xảy ra".

Phó bí thư cũng yêu cầu huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phương án hỗ trợ về vốn cây trồng, vật nuôi để người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất; đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ưu tiên nguồn vốn vay hỗ trợ bà con các xã bị ngập lụt. Giải pháp lâu dài, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, gia cố các đoạn đê xung yếu, có nguy cơ bị tràn trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

 Thanh Bình