Hội nghị “Kết nối giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố” là hội nghị giao thương thường niên do Bộ Công Thương và UBND TP. Hà Nội đồng phối hợp tổ chức, cùng sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị được tổ chức rất thành công năm 2016, 2017.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 02 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp danh sách các nhà sản xuất cho các nhà kinh doanh - phân phối để hỗ trợ kết nối trực tiếp; hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối.
Các sản phẩm được trưng bày tại hội nghị
Hỗ trợ DN các tỉnh, thành phố tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm thường xuyên, nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Người tiêu dùng, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đặc biệt, là trong các dịp lễ, tết.
Ngoài ra, Hà Nội đã hỗ trợ DN trên 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Hệ thống AEON - Nhật Bản, hệ thống Lottemart - Hàn Quốc; Hệ thống tập đoàn Centragroup - Thái Lan; Chợ đầu mối Rungis – Pháp, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của các DN trên thị trường các nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt, là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp,…
Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân. Hàng năm, Hà Nội đón trên 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó, gần 6 triệu lượt khách quốc tế.
Về tiềm năng thị trường, hiện nay Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới; lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Hà Nội luôn được đánh giá là thành phố năng động, có điều kiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nhân lực, tài chính… để phát triển mạnh mẽ thương mại hiện đại, đáp ứng xu thế thương mại điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Cho rằng, các DN nói chung, DN kinh doanh thương mại của Hà Nội nói riêng đã và đang giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại hiện đại với nhiều tiện ích. Hơn 250.000 doanh nghiệp của thành phố luôn ý thức việc, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như FTA, AEC, CPTPP.
Tìm kiếm, đổi mới sáng tạo các phương thức kết nối theo hướng đa kênh, kết nối theo chuỗi, kết nối ứng dụng kỹ thuật số để rút ngắn thời gian, khoảng cách về địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng, kết nối tiêu thụ, phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm...
Mong rằng, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu lần này với sự kiện Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội... sẽ là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng, trong việc hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững.
Thanh Bình