Tham dự hội nghị, có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, sở, ngành và gần 400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa hàng năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.
Các doanh nghiệp tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm địa phương
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, nhằm tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và các tỉnh liên quan, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị của thành phố thực hiện tốt chương trình giao thương, kết nối cung – cầu và đạt được kết quả tích cực.
Các hoạt động liên kết, giao thương đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực giữa các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội với các sở, địa phương của các tỉnh, thành phố. Từ đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất chủ động được lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng”.
Quy hoạch được vùng sản xuất để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường, nhiều hàng hóa đã truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm để đưa vào các kênh phân phối hiện đại, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân hàng tháng, năm; thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa - doanh thu dịch vụ nhất là tổng mức bán lẻ trên thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và một số các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức nhiều hội nghị trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy các mặt hàng nông sản, nông nghiệp nông thôn tập trung vào những vùng/sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản lượng lớn như:Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đinh, Sóc Trăng... nhằm hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải thiều, ổi, thanh long..., với sự vào cuộc của các nhà phân phối lớn như AEON, Lotte, Big C, và các chợ lớn.
Từ năm 2010 đến nay, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối vùng, miền trong khuôn khổ dự án phát triển thị trường trong nước. Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được hơn 33 hội nghị kết nối cung - cầu, thu hút hàng nghìn đại biểu và 1000 biên bản thỏa thuận được ký kết.
Các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng với giá cả hợp lý, các doanh nghiệp phân phối nguồn hàng ổn định, đa dạng, góp phần thúc đẩy thương mại trong nước phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung - cầu hiện nay vẫn còn một số tồn tại. Để nâng cao hiệu quả nhu cầu kết nối hàng hóa, thời gian tới, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hơn nữa.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp của gần 50 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trưng bày và giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, đồng thời ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, thiết lập quan hệ giao thương lâu dài, bền vững.
Đỗ Uyên