Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra đồng loạt tại 4 vị trí trên địa phận các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, theo phương thức kết nối trực tuyến giữa 4 điểm tổ chức khởi công của Thành phố và các điểm tổ chức động thổ của hai địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km).
Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Tháng 5/2021, công tác triển khai đầu tư, xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với biết bao khó khăn, bộn bề mới thực sự được khởi động. Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chia sẻ: “Thời điểm đó có nhiều ý kiến ngờ vực, cho rằng Hà Nội và các địa phương, bộ, ngành liên quan khó có thể hoàn thiện khâu chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để đạt mục tiêu khởi công dự án Vành đai 4 vào tháng 6/2023”.
Trước giờ khởi công dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết thành phố đã phê duyệt và thu hồi mặt bằng được 671/798 ha, đạt 84,10%.
Tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt và thu hồi đất được 161/229 ha, đạt 70,40%. Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286/358 ha, đạt 80,0%.
Như vậy, sau gần một năm triển khai kể từ khi Quốc hội phê duyệt dự án, cả 3 địa phương có đường vành đai 4 chạy qua cùng vượt chỉ tiêu GPMB (tối thiểu 70%). Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Thiên Trường