Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho thấy: Trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã tích cực phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn khó khăn, thách thức. Thực tế các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn xảy ra, tập trung vào các mặt hàng như thuốc lá điếu, ma túy… Song, lực lượng công an đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, qua đó bắt giữ và khởi tố nhiều vụ kinh doanh thuốc lá với số lượng lớn.

Lực lượng Hải quan cũng phát hiện, triệt phá một số vụ vận chuyển ma túy trên tuyến hàng không. Trong thị trường nội địa, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hoá vi phạm
Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Điển hình, là vụ việc Đội Quản lý thị trường số 19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thạch Thất phát hiện các đối tượng có dấu hiệu làm giả thuốc chữa bệnh, thu giữ nhiều máy móc, công cụ, phương tiện, nguyên liệu phục vụ vào việc sản xuất thuốc tân dược, vụ việc đã được khởi tố.

Cụ thể, trong tháng 10 các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra 3.616 vụ, xử lý 3.376 vụ. Khởi tố 17 vụ đối với 24 đối tượng. Trong đó hàng cấm, hàng lậu 506 vụ, hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ 137 vụ, gian lận thương mại 2.733 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 430, 166 tỷ đồng.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng ban, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra: 934 vụ, xử lý: 822 vụ; Phạt hành chính: 8 tỷ 620 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 8, 295 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công an thành phố, chỉ đạo lực lượng công an thành phố, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn thành phố; Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... 

Nhằm kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã: Tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu.

Xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị...

PV