Tràn lan hàng giả

Mới đây, dư luận bức xúc khi lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ gần 4 tấn quần áo xuất xứ nước ngoài tại một cơ sở may mặc (quận Long Biên) bị cắt tem nhãn gốc để thay bằng nhãn thương hiệu thời trang của Việt Nam.

Khi vụ việc này còn chưa hết “nóng”, thì lực lượng QLTT Hà Nội tiếp tục phát hiện trường hợp thương hiệu Seven.Am nghi nhập hàng Trung Quốc, sau đó cắt mác để gắn nhãn hiệu của hãng. Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ hơn 9.000 sản phẩm để điều tra, làm rõ.

Tại huyện Phú Xuyên, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thuộc BCĐ 389/Hà Nội, kiểm tra và tạm giữ lượng lớn sản phẩm túi xách, ví có dấu hiệu giả các nhãn hiệu Hermes, LV, Dior và Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam với số lượng hàng hóa trên 1.400 sản phẩm. Theo chủ cửa hàng, những sản phẩm mang nhãn hiệu trên được bán buôn với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc, tùy loại. Số sản phẩm trên, được chủ cửa hàng mua lại trên mạng, sau đó, bán hàng online...

Giả mạo nhãn hàng hóa đang là “vấn nạn” trên thị trường, nhất là tại thị trường lớn và hoạt động thương mại diễn ra sôi nổi như địa bàn Hà Nội. Nó không những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam, cũng như DN làm ăn chân chính.

Tính đến hết tháng 10, Cục QLTT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý: 7.065 vụ vi phạm; phạt hành chính số tiền trên 40,628 tỷ đồng; xử lý số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 43,167 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng túi xáchLực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng túi xách

Nhiệm vụ trọng tâm

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đặng Hoàng An với Cục QLTT Hà Nội về công tác chống buôn lậu, GLTM hàng giả, trên địa bàn Hà Nội, lực lượng QLTT đặt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, chủ động kiểm soát các hành vi vi phạm trên hoạt động thương mại điện tử và kiểm tra xuất xứ hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Tổng cục QLTT và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT cần phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, kiểm tra, kiểm soát những trung tâm đầu nậu, những điểm nóng, trọng điểm...

Cục QLTT Hà Nội cũng xác định, đây là địa bàn phức tạp, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát tốt sẽ đóng góp lớn cho công tác QLTT chung trên cả nước. Do đó, lực lượng chức năng cần tập trung kiểm tra các điểm nóng về hàng giả, nhất là các kho, điểm tập kết hàng hóa; các tuyến đường, khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao, địa bàn phức tạp.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên duy trì công tác thông tin tuyên truyền để cung cấp kịp thời đến người tiêu dùng thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm có biện pháp đề phòng, không mua bán, tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Những tháng cuối năm là cao điểm trong công tác quản lý, bình ổn thị trường, đẩy lùi buôn lậu, GLTM và hàng giả, Cục QLTT Hà Nội có kế hoạch ngắn hạn trong 2 tháng, tập trung kiểm tra các tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, các đầu lậu, đường dây ổ nhóm, các DN có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết. Cùng với đó, trên các tuyến quốc lộ và tuyến biên giới, Tổng cục chỉ đạo các cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng chốt chặt, kiên quyết chặn đứng hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả...

Linh My