Giá thịt lợn tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/kgGiá thịt lợn tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một chợ dân sinh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), giá thịt lợn trước đó giao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, nhưng đến hơn 9h ngày 7/3/2020, tiểu thương đã hét giá lên 180.000 đồng/kg. Mặc dù giá tăng cao, nhưng người dân vẫn tranh nhau mua hàng về tích trữ. Chính vì vậy, nhiều tiểu thương nhân cơ hội này đã đẩy giá thực phẩm lên cao.

Giá rau xanh cũng tăng giá trung bình 5.000 đồng/kg và 2.000 - 3.000 đồng/mớ. Cụ thể, rau cải ngọt có giá 18.000 đồng/kg, cải bao 15.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg...

Rau xanh cũng tăng giá trung bình 5.000 đồng/kg và 2 - 3.000 đồng/mớRau xanh cũng tăng giá trung bình 5.000 đồng/kg và 2.000 - 3.000 đồng/mớ

Bên cạnh đó, tại nhiều hệ thống siêu thị như Big C, Mê Linh Plaza, Vinmart... có rất nhiều người dân tập trung, chen lấn mua sắm lương thực, thực phẩm để tích trữ vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.

Các nhu yếu phẩm được người dân tập trung mua sắm chủ yếu là thức ăn nhanh như mỳ tôm, rau quả, nước uống và còn có cả giấy vệ sinh...

Người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa tại các siêu thịNgười dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa tại các siêu thị

Trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến thị trường hàng hóa, Bộ Công thương vừa thông tin các giải pháp, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.

Theo Bộ Công thương, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố.

Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường. ​

Sở Công thương Hà Nội đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ. ​

Báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng ngày 7/3, có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại, trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước.

Trong ngày 7/3, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân. ​Việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng.

Huy Trung